VẬN
dụng phương pháp luận sử học vào việc nghiên cứu, biên soạn các công
trình lịch sử quân sự nói chung, bao gồm trong đó lịch sử chiến tranh, là một
tổng thể các thao tác thuộc phạm vi phương
pháp luận và phương pháp chuyên ngành;
trong đó phải nắm vững nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học, kết hợp vận dụng
sáng tạo và nhuần nhuyễn phương pháp lịch
sử và lôgíc cũng như các phương pháp bổ trợ khác để giải quyết các vấn đề
đặt ra trong lĩnh vực khoa học lịch sử quân sự, trong đó có các công trình lịch
sử chiến tranh.
I. ĐỐI TƯỢNG CỦA MỘT CÔNG TRÌNH
LỊCH SỬ CHIẾN TRANH
LỊCH SỬ CHIẾN TRANH
1. Trong khoa
học xã hội nói chung cũng như khoa
học lịch sử nói riêng, đối tượng của một công trình nghiên cứu thường không
xuất hiện cụ thể với những đặc trưng có thể nhận biết dễ dàng. Một hiện tượng xã hội, hay một hiện thực xã hội thường được coi là đối
tượng trực tiếp của khoa học xã hội. Nhưng, một hiện tượng xã hội không phải vì đã từng xảy ra trong quá khứ mà trở
thành đối tượng của sử học: mà chính vì phương
pháp nghiên cứu sử học của khoa học lịch sử phân tích, nhìn nhận sự kiện đó như một sự kiện lịch sử. Theo
nghĩa đó, có thể nói, phương pháp tạo ra
đối tượng đó chính là bước chuyển biến quan trọng nhất của khoa học xã hội trong nửa đầu thế kỷ XX.
Mỗi ngành khoa học nhất định với phương pháp khoa học nhất định của mình (như
xã hội học có phương pháp xã hội học, chính trị học có phương pháp chính trị
học...)_, là căn bản cho việc mỗi lại hiện
tượng xã hội trở thành đối tượng cụ
thể của từng ngành khoa học xã hội tùy theo cách nhìn của ngành ấy.
Như thế, mỗi một ngành/chuyên ngành khoa học
đều nhằm vào đối tượng nghiên cứu cụ
thể của ngành/chuyên ngành khoa học đó. Hoặc cũng có thể nói rằng, đối tượng nghiên cứu chính là nhân tố
nền tảng quy định sự hình thành, phát triển của từng ngành/chuyên ngành khoa
học. Nắm vững đối tượng nghiên cứu là yêu cầu trước hết, yêu cầu cơ bản của
người làm công tác nghiên cứu khoa học. Bởi vì, nắm vững đối tượng nghiên cứu
của ngành/chuyên ngành khoa học nói chung; của chủ đề/đề tài nghiên cứu cụ thể
nói riêng, cho phép người nghiên cứu xác định ngay từ đầu mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, phạm vi (không gian, thời gian) nghiên cứu
cũng như xác định phương pháp nghiên cứu
tương ứng, phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra. Đây là điều kiện để xây
dựng đề cương nghiên cứu, đề cương chi
tiết, tiến hành công tác sưu tầm, tập
hợp, phân loại, xử lý tư liệu; điều kiện đảm bảo cho công trình nhằm trúng,
bao quát, tái hiện được toàn bộ nội dung thuộc về và liên quan tới chủ đề/đề
tài; đảm bảo việc hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ban đầu.
2. Vậy, đối
tượng của một công trình lịch sử
chiến tranh là gì? Trên vấn đề này, trước hết, cần xác định rõ khái niệm Kháng chiến và khái niệm Chiến tranh.
Kháng
chiến
là chiến tranh chống xâm lược của nhân dân các dân tộc nhằm giành và giữ nền
độc lập. Về từ nguyên, kháng-chiến mang
ý nghĩa một hoạt động có tính xung đột – chiến tranh của một lực lượng (ở đây
chỉ một cộng đồng mang bản sắc, hoặc dân tộc) nhằm phản ứng/chống lại áp lực
hoặc sự kiềm chế của một lực lượng khác (thường là một lực lượng xâm lấn lợi
ích, bản sắc về mặt chính trị, xã hội lên một lực lượng khác). Trong ý nghĩa
đó, kháng chiến thường để chỉ cuộc
phản kháng (thường bằng bạo lực) của một cộng đồng yếu hơn trước một lực lượng xâm lược để giành lại sự tự chủ có tính
chính trị-kinh tế-xã hội. Như trong
lịch sử hàng ngàn năm, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, tiêu biểu
như kháng chiến chống Tống (981), ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258,
1285, 1287 - 1288), kháng chiến chống Thanh (1788 - 1789)... Xét từ ý nghĩa đó,
lịch sử kháng chiến chủ yếu tiếp cận,
phản ánh cuộc chiến tranh từ phía nhân
dân các dân tộc chống xâm lược; phía kẻ thù xâm lược tuy cũng được đề cập
nhưng không phải là nội dung chủ yếu của một công trình về lịch sử kháng chiến.
Chiến
tranh
là hiện tượng chính trị - xã hội có tính lịch sử, là sự tiếp tục của chính trị
bằng thủ đoạn bạo lực giữa các tập đoàn xã hội trong một nước hoặc giữa các
nước hay liên minh các nước. Đặc trưng cơ
bản của chiến tranh là đấu tranh vũ trang có tổ chức, theo những quy tắc
nhất định và thường kết hợp với những hình thức đấu tranh khác (đấu tranh chính
trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh ngoại giao...).
Chiến tranh được phân theo các góc độ khác
nhau. Trên bình diện chính trị - xã hội,
có chiến tranh chính nghĩa - phi nghĩa; chiến tranh cách mạng - phản cách mạng;
chiến tranh xâm lược, chống xâm lược (chiến tranh chống xâm lược được phân chia
thành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc). Trên bình
diện phương thức tiến hành, có chiến
tranh chính quy, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Trên bình diện quy mô, có chiến tranh thế giới, chiến
tranh cục bộ... Trên bình diện vũ khí, kỹ
thuật, có chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh
học, chiến tranh vũ khí công nghệ cao... Ngoài ra, khái niệm chiến tranh còn được dùng với các hoạt
động khác như chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp...
Chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, trong tư cách đại diện cho các lực lượng tiến bộ của dân tộc, là
chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mang tính chính nghĩa, cách
mạng, toàn dân, toàn diện.., nhằm mục
tiêu giải phóng dân tộc kết hợp chặt chẽ với giải phóng giai cấp và giải
phóng nhân dân; kết hợp giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội – đây cũng là
đặc tính của chiến tranh cách mạng, một
hiện tượng đặc thù của lịch sử trong những giai đoạn biến đổi về chất nền tảng kinh tế-xã hội – chính trị
- văn hóa của các quốc gia-dân tộc.
Trong chiến tranh cách mạng, lực lượng
tiến hành chiến tranh là toàn dân
đánh giặc (và tham gia đánh giặc), gồm lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân
làm nòng cốt và lực lượng chính trị của quần chúng. Thế trận chiến tranh là cả nước được tổ chức thành một mặt trận
rộng lớn, có tiền tuyến, có hậu phương; có sự gắn bó giữa ba vùng chiến lược là
rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị. Phương
thức tiến hành chiến tranh là kết hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị,
tư tưởng, kinh tế, ngoại giao; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần
chúng; kết hợp giữa chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích... Như vậy,
cũng có thể thấy rằng, đối tượng của công
trình lịch sử chiến tranh chính là bản thân cuộc chiến tranh đó với toàn bộ
quá trình phát sinh, phát triển và kết thúc của nó.
Chuyên ngành lịch sử chiến tranh là một bộ phận hợp thành khoa học lịch sử quân sự. Chuyên ngành này tập trung nghiên cứu,
tái hiện quá trình hình thành, diễn biến của cuộc chiến tranh với tất cả các
chiều cạnh thuộc về hoặc liên quan; trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh
tế, văn hoá - xã hội, tư tưởng, ngoại giao; trong mối quan hệ tác động qua lại
và quy định lẫn nhau giữa các lĩnh vực, các chiều cạnh của cuộc chiến tranh.
Nghiên cứu, tái hiện toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh (từ lúc hình thành,
qua các bước phát triển và đến kết thúc), phải làm rõ bối cảnh, nguyên nhân,
tính chất, đặc điểm của nó; quá trình tổ chức, điều hành của mỗi bên; kết quả,
ý nghĩa, nguyên nhân thành công hoặc thất bại của các bên tham chiến, trên từng
lĩnh vực, tại từng chiến trường, từng mặt trận, từng địa phương, ở từng thời
kỳ, từng giai đoạn và trong toàn bộ cuộc chiến; làm rõ tác động, ảnh hưởng của
nó đối với sự phát triển xã hội; rút ra các bài học lịch sử... Dưới đây, chúng tôi chủ yếu tập trung vào nội dung
vận dụng phương pháp luận sử học trong nghiên cứu, biên soạn công trình
lịch sử cuộc chiến tranh 30 năm (1945 - 1975).
Chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm
lược (1945 - 1975), là cuộc chiến tranh nhân dân, được tiến hành theo đường lối
kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường
kỳ, tự lực cánh sinh, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong
các công trình về lịch sử chiến tranh 30 năm (1945 - 1975), yêu cầu đặt ra cho
người nghiên cứu, biên soạn là phải nắm chắc đối tượng; xác định rõ mục tiêu,
yêu cầu, nhiệm vụ, phạm vi về không gian, thời gian cũng như các mảng nội dung thuộc về hoặc liên quan tới đường lối
kháng chiến của Đảng. Những yêu cầu đặt ra như thế phải được quán triệt ngay từ
khi xác định đề tài (chủ đề), hình thành đề cương, thu thập tư liệu... cho công
trình.
II. PHÂN KỲ LỊCH SỬ CHIẾN TRANH
1. Mọi sự vật, mọi hiện tượng lịch sử đều
được cấu thành thông qua một quá trình vận động liên tục, từ phát sinh, phát
triển đến kết thúc. Toàn bộ quá trình tạo lập nên sự vật hiện tượng đó trong
không gian – thời gian tồn tại của nó chính là lịch sử của mọi sự vật – hiện tượng. Nói cách khác, một sự vật hiện
tượng có được lịch sử của mình trong sự vận động của chính nó. Ở một tầm mức
rộng hơn, có thể giả định rằng, một xã
hội không vận động là một xã hội không có lịch sử. C.Mác, khi đề cập tới
chế độ công xã nông thôn ở Ấn Độ từ cổ đại đến cận đại, đã phát biểu rằng, nếu
không phá vỡ được sự trì trệ, khép kín của các công xã nông thôn đó thì dường như nó không có lịch sử.
Muốn nhận thức rõ và tái hiện được sự vận
động, sự phát triển - tức toàn bộ quá trình diễn biến của các sự kiện, hiện
tượng lịch sử đó, khoa học lịch sử cần tới phương
pháp phân kỳ lịch sử và mỗi đối tượng lại có nguyên tắc phân kỳ riêng, tùy
thuộc vào đặc thù của mỗi đối tượng
được nghiên cứu.
Trên thực tế, phân kỳ
lịch sử là vấn đề phức tạp. Cho đến nay, xung quanh vấn đề này, đang tồn tại
nhiều quan niệm khác nhau. Tuy vậy, một cách chung nhất, việc phân kỳ đối với
lịch sử xã hội loài người nói chung, cũng như đối với mỗi sự kiện, hiện tượng
hoặc quá trình lịch sử nói riêng, phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau
đây:
- Lịch sử là một quá trình vận động logic và
liên tục;
- Quá trình đó chịu sự chi phối của những quy
luật khách quan - những quy luật hình thành từ sự tiến triển nội tại của sự
vật, được khoa học phát hiện và đúc kết;
- Kết hợp chặt chẽ và
nhuần nhuyễn phương pháp lôgíc và phương pháp lịch sử để tìm ra những mối liên
hệ lôgíc – bản chất trong muôn vàn biểu hiện phức tạp, đa dạng của các sự kiện,
hiện tượng hay quá trình lịch sử; từ đó phân biệt rõ cái chung và cái riêng hay
tính quy định bên trong của quá trình lịch sử xét như một chỉnh thể;
- Phải đảm bảo tính khách quan, khoa học
trong phân kỳ lịch sử. Nguyên tắc này đòi hỏi nhà nghiên cứu xem xét lịch sử
như một tổng thể, và phân kỳ lịch sử dựa vào những sự thay đổi tính chất tổng
thể của lịch sử. Dĩ nhiên, sự thay đổi của tổng thể lịch sử về chất luôn phụ thuộc vào một số các nhân
tố lịch sử nhất định trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử.
Nắm vững các nguyên tắc chung trên đây, đồng
thời phải căn cứ vào quá trình phát triển cụ thể của đối tượng, nhận rõ các
bước chuyển biến về chất của quá trình đó, người nghiên cứu mới có thể đưa ra
được sự phân kỳ lịch sử xác đáng.
2. Đối với cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng
và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, nhìn chung, giới sử học trong nước phân thành hai thời kỳ tương ứng với hai cuộc kháng
chiến: kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954 - 1975). Mỗi thời kỳ (tương ứng với mỗi cuộc kháng chiến) được
phân thành các giai đoạn. Liên quan
tới việc phân kỳ lịch sử, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
(2.1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Báo
cáo chính trị trình bày trước đại hội, đã chỉ rõ: "Đảng và Chính phủ
ta đã nhận cuộc chiến tranh có 3 giai đoạn:
- Giai
đoạn thứ nhất, thì ta cốt giữ vững và phát triển chủ lực.
Giai đoạn này từ ngày 23.9.1945 đến hết chiến
dịch Việt Bắc Thu Đông 1947.
- Giai
đoạn thứ hai, thì ta tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công.
- Giai
đoạn thứ ba là tổng phản công".
Hồ Chí
Minh phân tích: "Chúng ta phải hiểu rằng, giai đoạn này có dính líu với
giai đoạn khác, nó kế tiếp giai đoạn trước và nó gây những mầm mống cho giai
đoạn sau.
Có nhiều sự biến đổi mới sinh ra từ một giai
đoạn này đến giai đoạn khác. Trong một giai đoạn cũng có những biến đổi của nó.
Có thể xét tình hình mà định ra từng giai
đoạn lớn nhưng không thể tách hẳn từng giai đoạn một cách dứt khoát như người
ta cắt cái bánh. Mỗi giai đoạn dài hay ngắn phải tuỳ theo tình hình trong nước
và thế giới, tuỳ theo sự biến đổi trong lực lượng địch và lực lượng ta"1.
Căn cứ vào diễn biến thực tế của cuộc kháng
chiến, hiện nay, đối với cuộc chiến tranh 30 năm (1945 - 1975), cách phân kỳ
lịch sử, nhìn chung, là theo các giai
đoạn chiến lược.
Cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) được
phân chia như sau:
- Từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1947: Đây là
giai đoạn kháng chiến ở miền Nam, xây dựng thực lực kháng chiến ở miền Bắc,
toàn quốc kháng chiến, đánh bại chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh"
của thực dân Pháp;
- Từ 1948 đến Thu Đông 1950: Đây là giai đoạn
triển khai và đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, làm thất bại một bước âm mưu kéo
dài và mở rộng chiến tranh và chính sách "dùng người Việt đánh người
Việt" của thực dân Pháp;
- Từ 1951 đến tháng 7.1954: Đây là giai đoạn
phát triển tiến công và phản công, làm phá sản nỗ lực chiến tranh cao nhất của
thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến.
Cuộc
kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954 - 1975) được phân
thành 5 giai đoạn:
- Từ tháng 7.1954 đến hết 1960: Đây là giai
đoạn khôi phục toàn diện miền Bắc, đấu tranh chính trị ở miền Nam, đồng khởi
làm thất bại một hình thức thống trị điển hình bằng chủ nghĩa thực dân mới của
Mỹ ở miền Nam;
- Từ 1961 đến giữa 1965: Đây là giai đoạn
cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị chuyển sang
thế tiến công, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm thất bại
chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Miền Bắc xây dựng
hậu phương xã hội chủ nghĩa, tổ chức chi viện cho cách mạng miền Nam;
- Từ giữa năm 1965 đến hết 1968: Đây là giai
đoạn cả nước có chiến tranh, đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục
bộ", mở ra giai đoạn mới của cuộc chiến tranh: Vừa đánh vừa đàm;
- Từ 1969 đến tháng 1.1973: Đây là giai đoạn
chiến tranh lan rộng, Đông Dương thành một chiến trường đánh Mỹ, tiến công
chiến lược năm 1972 và đập tan cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của
không quân, hải quân Mỹ, Hiệp định Pari được ký kết;
- Từ tháng 1.1973 đến tháng 4.1975: Đây là
giai đoạn giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thông thường, trong các công trình về lịch sử
chiến tranh 30 năm, các phần, các chương được phân chia tương ứng với các phần, các giai đoạn trên đây của hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, khi viết về
cuộc kháng chiến diễn ra ở từng địa bàn, từng chiến trường, từng địa phương,
phải căn cứ vào diễn biến cụ thể để phân chia mốc thời gian của từng chương,
từng mục cho phù hợp với thực tế lịch sử.
III. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH
TRONG CÔNG TRÌNH LỊCH SỬ CHIẾN TRANH
TRONG CÔNG TRÌNH LỊCH SỬ CHIẾN TRANH
Thông thường, mỗi công trình khi viết về lịch
sử chiến tranh, cụ thể ở đây là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
1.
Chương (phần) mở đầu:
Đây là chương (phần) thường tập trung giới thiệu về miền đất (địa lý tự nhiên,
địa giới hành chính), con người (dân cư) và truyền thống (truyền thống văn hoá,
truyền thống đấu tranh, truyền thống cách mạng) của đất nước hoặc của quân khu,
tỉnh thành..., tức là tuỳ thuộc vào đối tượng, phạm vi đề cập của công trình.
Cần chú ý khi biên soạn chương này là phải nhấn mạnh, làm rõ, mô tả kỹ những
yếu tố, những nội dung có liên quan chặt chẽ tới bối cảnh, tới nguyên nhân
chiến tranh, tới toàn bộ quá trình xuất hiện, diễn biến và kết thúc của cuộc
chiến tranh... là những nội dung sẽ được trình bày ở các chương sau.
2. Ở
các chương phản ánh quá trình diễn biến cuộc chiến tranh (cuộc kháng chiến) của công trình, nhìn
chung, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a. Nêu và phân tích bối cảnh lịch sử. Bối cảnh lịch sử, hiểu một cách tổng
quát, là toàn bộ tình hình trên chiến trường, trong nước, trong khu vực và trên
thế giới có liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới nguồn gốc (nguyên nhân)
của chiến tranh, tới quan điểm, đường lối và chủ trương chiến lược cũng như
sách lược của mỗi bên tham chiến trong toàn bộ và ở từng thời kỳ, từng giai
đoạn của cuộc chiến tranh. Như thế, có bối cảnh chung của toàn bộ cuộc chiến và
bối cảnh riêng của từng thời kỳ, từng giai đoạn trong tiến trình diễn biến của
chiến tranh; trên phạm vi cả nước hay ở từng địa bàn, từng khu vực, từng vùng
miền, từng địa phương - tuỳ thuộc vào phạm vi bao quát của công trình. Ở đây,
cần nhấn mạnh thêm rằng, bối cảnh lịch sử là một môi trường trong đó các nhân tố lịch sử tương tác và thể hiện các
đặc tính – xu hướng của mình. Do đó, khi trình bày bối cảnh, nhà nghiên cứu
phải lựa chọn những đặc tính căn bản, thuộc về bối cảnh, có vai trò tác động và làm chuyển biến hành động lịch sử
của các nhân tố cũng như tác động đến sự tương tác giữa các nhân tố lịch sử. Ở
khía cạnh này, việc trình bày bối cảnh lịch sử cần đến một cái nhìn lịch sử
toàn thể.
Thể hiện các nội dung ở phần bối cảnh, cũng cần
chú ý rằng, vì mỗi bên khi phát động chiến tranh hoặc khi thay đổi, khi bổ
sung, khi điều chỉnh chiến lược chiến tranh, thường căn cứ vào những điều kiện
lịch sử cụ thể có liên quan, nên người nghiên cứu phải đề cập, phải làm rõ
những lý do, những điều kiện lịch sử cụ thể có liên quan đó. Mặt khác, mỗi bên,
khi bước vào cuộc chiến hoặc khi thay đổi chiến lược chiến tranh, thường che
giấu bản chất, che giấu ý đồ đích thực của mình. Điều này đòi hỏi người nghiên
cứu phải đi sâu tìm hiểu để làm rõ nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa
của cuộc chiến tranh cũng như nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn tới sự
thay đổi chiến lược của mỗi bên tham chiến.
b. Trên cơ sở làm rõ bối cảnh, cần trình bày đường lối, chủ trương, phương châm, biện
pháp chiến lược của các bên tham chiến trong toàn bộ cuộc chiến tranh cũng
như mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn của cuộc chiến tranh đó.
Về phía đối phương, đó là các chiến lược
chiến tranh, các kế hoạch quân sự, các biện pháp thực hiện trên tất cả các lĩnh
vực quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, ngoại giao...
Về phía kháng chiến, đó là đường lối kháng
chiến, các chủ trương, chính sách, giải pháp, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà
nước, cơ quan chỉ đạo chiến lược; của các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở từng chiến
trường, từng mặt trận, từng địa phương trong toàn bộ và ở từng giai đoạn của
cuộc chiến tranh.
Đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt
Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước là toàn dân, toàn diện, trường kỳ,
tự lực cánh sinh, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Khi đề cập tới nội dung đường lối, chủ trương, chính
sách, giải pháp, phương châm chỉ đạo chiến lược..., người viết phải làm rõ quá
trình hình thành, bổ sung, từng bước hoàn thiện nó trong thực tiễn; làm rõ sự
vận dụng các nội dung trên đây vào thực tiễn từng địa bàn, từng giai đoạn chiến
tranh của lãnh đạo chỉ huy các cấp, các địa phương... Điều này cũng có nghĩa là
người viết phải sưu tầm, tập hợp, xử lý, đưa vào sử dụng nội dung cơ bản chứa
đựng trong hệ văn kiện bao gồm nghị quyết, báo cáo, điện chỉ đạo, chỉ thị, mệnh
lệnh của các cấp lãnh đạo chỉ huy; phải tái hiện được quá trình quán triệt, vận
dụng, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách ở các cấp, các địa
phương trong thực tiễn; làm rõ quá trình nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, bộ đội, nhân dân đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước, quân đội. Trong thực tế 30 năm chiến tranh, quá trình đề ra và từng bước
hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách cũng như việc quán triệt, vận dụng
trong thực tiễn không phải diễn ra một chiều và hoàn toàn suôn sẻ. Do vậy,
người nghiên cứu, biên soạn cũng cần trình bày cả những ý kiến khác nhau trước
khi đi đến sự thống nhất.
Hơn nữa, quá trình hình thành, hoàn chỉnh dần
từng bước đường lối, chủ trương cũng không chỉ diễn ra ở các cấp lãnh đạo, chỉ
đạo cao nhất; trong nhiều trường hợp, sự sáng tạo của quân và dân Việt Nam đã
cung cấp cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội cơ sở để bổ sung từng
bước thực tiễn quý báu, để bổ sung hoàn chỉnh đường lối trong quá trình lãnh
đạo, chỉ đạo kháng chiến. Yêu cầu đặt ra cho người viết sử là phải thể hiện
được thực tế sinh động này của lịch sử cuộc kháng chiến 30 năm dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam.
c. Sau
khi và cùng với việc trình bày
đường lối, chủ trương, phương châm, biện pháp chiến lược của mỗi bên; tái hiện
quá trình xây dựng, hoàn chỉnh các nội dung này trong thực tiễn, các công trình
viết về lịch sử cuộc chiến tranh cần tập trung phản ánh, tái hiện toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh
với tất cả hiện thực lịch sử vốn có, trên tất cả các chiều cạnh liên quan (quân
sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, ngoại giao...) ở từng thời kỳ, từng
giai đoạn và trên từng địa bàn... Chiến tranh là sự đối kháng tổng hợp (quân
sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, ngoại giao...) của các bên tham chiến, trong
đó, đấu tranh vũ trang là đặc trưng cơ bản của chiến tranh. Vì thế, trong khi
tái hiện toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh, cần chú trọng đề cập tới hoạt
động quân sự, tới đấu tranh vũ trang của các bên. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quốc phòng và an ninh trong lịch sử quân sự
nói chung cũng như trong lịch sử
chiến tranh nói riêng cũng là một lĩnh vực còn cần phải thảo luận và nghiên
cứu. Thực tế, một cuộc chiến tranh có thể coi là một hoàn cảnh trong đó các lực lượng xã hội – quân sự - chính trị -
kinh tế cạnh tranh để giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị trên một vùng
lãnh thổ nhất định. Điều ấy cũng có nghĩa, chiến tranh tạo nên và áp đặt tính chất của nó lên toàn bộ các bộ phận
xã hội đang dính líu và tham chiến. Trên khía cạnh đó, các xã hội đều bị cấu
trúc hóa và thay đổi phương thức quản trị xã hội tùy theo mức độ cần thiết mà
những người lãnh đạo nhận thức được – quá trình tái cấu trúc các dạng thức phân
bổ nguồn lực quản trị xã hội này được biểu hiện rõ rệt nhất trong tương quan
giữa an ninh và quốc phòng.
Đối với lịch sử quân sự Việt Nam thời kỳ hiện
đại, một cách chung nhất, có thể đề cập rất tổng quát những nội dung chủ yếu mà
mỗi công trình lịch sử về cuộc chiến tranh 30 năm (1945 - 1975) trên phạm vi cả
nước hoặc ở từng địa bàn phải phản ánh được, bao gồm những mảng vấn đề sau đây:
- Quá trình xây dựng, củng cố, tăng cường lực
lượng kháng chiến, bao gồm lực lượng vũ trang ba thứ quân, lực lượng chính trị,
lực lượng kinh tế, lực lượng khoa học - kỹ thuật, lực lượng văn hoá - tư tưởng,
lực lượng đối ngoại... ở cả hậu phương và tiền tuyến... Nói rõ hơn, đây là quá
trình quân sự hóa và tái cấu trúc quyền lực xã hội theo mô
hình chính trị - xã hội tân tiến bấy giờ của các lực lượng tiến bộ ở Việt Nam,
mà đại diện chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đặc trưng chịu ảnh hưởng
của chiến tranh, quá trình này chịu
ảnh hưởng rõ rệt từ động lực của một quá trình nhỏ hơn nằm trong đó: quân sự hóa các lực lượng xã hội và chính trị hóa các chu trình xã hội theo
một đề cương xã hội mới.
- Quá trình xây dựng, củng cố, tăng cường,
hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân trên ba vùng chiến lược: rừng núi,
nông thôn đồng bằng, đô thị; bao gồm cả thế trận chiến tranh nhân dân trong
hoạt động chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, thế trận
chiến tranh nhân dân trong công tác đảm bảo giao thông vận tải, giữ vững sự chi
viện cho chiến trường... Quá trình này là biểu hiện trọng tâm và căn bản nhất
của sự chuyển biến các quan hệ chính trị - xã hội giữa các vùng lãnh thổ và
giữa các tầng lớp xã hội. Nói một cách khác, đây là quá trình quân sự hóa theo đặc tính chính trị và
chiến lược phát triển của Cách mạng.
- Các hoạt động xây dựng, bảo vệ, mở rộng,
phát huy vai trò, tác dụng của hậu phương, căn cứ địa; bao gồm hậu phương chiến
lược, hậu phương tại chỗ, tuyến vận tải chiến lược từ hậu phương miền Bắc vào
các chiến trường, các mặt trận, các địa phương ở miền Nam. Các hoạt động này
diễn ra theo quan điểm, đường lối, chủ trương xây dựng hậu phương, căn cứ địa
cách mạng và kháng chiến vững mạnh toàn diện của Đảng. Vì vậy, cần đề cập toàn
diện hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương, căn cứ địa
trên các lĩnh vực về chính trị (kể cả hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, mặt
trận), quân sự, kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại.
Các hoạt động như thế chính là các tiểu
quá trình nằm trong tổng thể chuyển biến của toàn xã hội. Chính trong những
hoạt động đó, khuôn mặt của một xã hội mới và các chủng đặc tính của xã hội mới
được hình thành về căn bản. Nhiều đặc tính được lưu giữ trong các quan hệ chính
trị - xã hội ngay trong thời kì đương đại.
- Các hoạt động đấu tranh quân sự, đấu tranh
chính trị, đấu tranh binh vận, đấu tranh tư tưởng, đấu tranh ngoại giao... Các
hoạt động này vừa có thể phân tích như là biểu
hiện trực tiếp của bối cảnh chiến
tranh, vừa đóng vai trò là các sự kiện
lịch sử biểu hiện mọi chuyển biến trong tương quan và tình trạng của các
lực lượng tham chiến ở từng thời kỳ, giai đoạn nhất định.
Chiến tranh là sự tổng
hợp tất cả các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, tư tưởng,
văn hoá... của các bên đối chiến. Các mặt đấu tranh đó, tuy đều liên quan mật
thiết với nhau, chi phối, tạo điều kiện thúc đẩy lẫn nhau, nhưng đấu tranh quân
sự, đấu tranh vũ trang là đặc trưng cơ bản của chiến tranh, cũng là một cường lực lịch sử trực tiếp cấu trúc hóa
lịch sử. Vì thế, trong công trình lịch sử chiến tranh, cần phải dành một dung
lượng cần thiết để trình bày về hoạt động đặc trưng này.
Chiến tranh 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam là chiến tranh nhân dân.
Lực lượng tiến hành chiến tranh gồm lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm
nòng cốt và lực lượng chính trị quần chúng. Lực lượng chính trị quần chúng vừa
là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, vừa là chỗ dựa vững chắc
để lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến, vừa phối hợp với lực lượng vũ trang
tiến công, phản công quân địch... Trong khi nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để thể
hiện mảng nội dung đấu tranh vũ trang, cần chú ý thích đáng tới công tác xây
dựng, phát triển lực lượng chính trị quần chúng cũng như hoạt động và vai trò,
tác dụng của lực lượng này trong mối quan hệ mật thiết với quá trình xây dựng,
phát triển và hoạt động của lực lượng vũ trang ba thứ quân suốt quá trình diễn
ra chiến tranh.
Sức mạnh của đất nước là sức mạnh tổng hợp
chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá - giáo dục, khoa học - kỹ thuật và đối
ngoại được chuẩn bị, được xây dựng và củng cố từ thời bình. Khi chiến tranh xảy
ra, toàn bộ sức mạnh tiềm tàng đó được huy động để đương đầu và đánh bại kẻ thù
xâm lược. Do vậy, bên cạnh việc tái hiện hoạt động đấu tranh quân sự, đấu tranh
vũ trang, cần đề cập tới các hoạt động đấu tranh trên các lĩnh vực khác: đấu
tranh chính trị làm thất bại chính sách bình định của địch và làm suy giảm vai
trò, vị trí của hệ thống chính quyền các cấp của chúng; đấu tranh làm phân hoá
trong nội bộ hàng ngũ kẻ thù, nội bộ binh lính địch; đấu tranh làm thất bại các
hoạt động, các thủ đoạn "tâm lý chiến", tuyên truyền, xuyên tạc; đấu
tranh trên lĩnh vực đối ngoại nhằm làm thất bại các thủ đoạn ngoại giao của
địch, làm cho thế giới hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến chính
nghĩa của nhân dân Việt Nam...
Đây là những nội dung đan xen, có quan hệ với
nhau, diễn ra theo sự chỉ đạo chung. Trong các công trình về lịch sử chiến
tranh, cần phải trình bày được và đầy đủ các nội dung này; với dung lượng thích
hợp, phản ánh chính xác vai trò, vị trí, tác dụng của từng mặt đấu tranh trong
quá trình phát triển của chiến tranh.
- Trong điều kiện kinh tế, khoa học - kỹ
thuật chưa phát triển, còn thua kém địch nhiều lần, công tác đảm bảo hậu cần,
đảm bảo giao thông, đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ cho sự lãnh đạo, điều
hành của các cấp; cho lực lượng vũ trang ba thứ quân hoạt động... diễn ra rất
gian khổ, khó khăn, phức tạp. Thế nhưng, quân và dân Việt Nam đã mưu trí, sáng
tạo, giải quyết thành công các vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực này. Cho nên,
đây là một mảng nội dung nữa mà các công trình viết về lịch sử cuộc chiến tranh
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cần đề cập, cần tái hiện.
- Vì đường lối kháng
chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam là toàn dân, toàn diện nên trong các công
trình lịch sử chiến tranh, ngoài những nội dung chủ yếu trên đây, còn cần phải
đề cập, tái hiện một mảng nội dung không kém phần quan trọng là chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác mặt trận, công tác vận động đồng
bào tôn giáo, đồng bào dân tộc và quá trình triển khai cũng như hiệu quả thực
hiện ở phạm vi cả nước, ở từng địa phương, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn
kháng chiến.
Trong quá trình nghiên cứu, tái hiện các nội
dung trên đây, cần chú ý tới dung lượng
đề cập. Các nội dung này, ở từng chừng mực, có liên quan tới đối tượng và nội
dung của các chuyên ngành lịch sử khác như lịch sử dân tộc (thông sử), lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử tổ chức quân sự (lịch sử lực lượng vũ trang)...
Vấn đề đặt ra ở đây là liều lượng
phản ánh đến mức độ nào cho mỗi mảng nội dung này để vừa không lẫn vào các
chuyên ngành lịch sử khác, lại vừa bao quát được toàn bộ nội dung cần có trong
mỗi công trình về lịch sử chiến tranh.
3.
Chương cuối (hoặc phần kết luận) của một công trình lịch sử chiến tranh,
thông thường, cần trình bày các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tổng quát (khái quát) toàn bộ quá trình
diễn biến của cuộc chiến tranh (diễn ra trên quy mô cả nước hoặc ở từng địa
bàn, từng chiến trường, từng địa phương - tuỳ thuộc vào phạm vi đề cập của công
trình và đã được tái hiện ở các chương trước);
- Khái quát đặc điểm, tính chất của cuộc
chiến tranh (diễn ra trên phạm vi cả nước hoặc ở từng địa bàn);
- Nêu và phân tích kết quả, ý nghĩa, nguyên
nhân (thắng lợi hoặc thất bại, thành công hoặc chưa thành công...) của cả hai
bên ( của Việt Nam và của đối phương);
- Rút ra một số bài học (kinh nghiệm) lịch sử
từ thực tiễn cuộc chiến tranh và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mỗi bên
tham chiến (chủ yếu là phía Việt Nam);
Cuối mỗi công trình, ngoài các nội dung trên
đây, cần có thêm phần phụ lục, sơ đồ minh
hoạ, danh mục tài liệu tham khảo.
Trên đây là những nội dung biên soạn một công
trình lịch sử chiến tranh (lịch sử kháng chiến), chủ yếu về cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp (1945 - 1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954
- 1975) của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những năm qua, đã có nhiều công trình viết về
lịch sử cuộc chiến tranh 30 năm (1945 - 1975) được xuất bản ở trung ương, địa
phương. Nhìn chung, các công trình ấy đã tái hiện tương đối rõ các hoạt động
đấu tranh quân sự, chính trị của quân và dân Việt Nam ở phạm vi toàn quốc, hoặc
ở từng địa bàn, từng địa phương trong từng chặng đường phát triển của cuộc
chiến tranh. Tuy nhiên, một số công trình do chưa chú trọng đến đối tượng, phạm
vi nghiên cứu nên chưa phản ánh đầy đủ các lĩnh vực hoạt động khác, chẳng hạn
như hoạt động xây dựng căn cứ địa, hậu phương, đấu tranh trên các lĩnh vực kinh
tế, văn hoá, tư tưởng...; do chưa nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn các quan
điểm cơ bản của sử học mácxít nên chưa đề cập một cách đầy đủ, thoả đáng những
sai lầm, khuyết điểm và những tổn thất, hy sinh trong chiến tranh cũng như chưa
nêu ra và đánh giá đầy đủ vai trò của cá nhân trong lịch sử... Vì thế, tính
khoa học, tính hấp dẫn bởi sự chân xác và sinh động của các sự kiện lịch sử ở
nhiều công trình lịch sử kháng chiến không cao. Bên cạnh đó, một số công trình
viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn quân khu, tỉnh ở miền
Bắc, các hoạt động chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, đảm
bảo giao thông vận tải... được tái hiện khá cụ thể, chiếm một dung lượng lớn.
Trong khi đó, hoạt động xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội, củng cố và tăng
cường hệ thống chính trị (Đảng, chính quyền, mặt trận...) - là những nhiệm vụ
trọng tâm trong sự nghiệp xây dựng và phát huy vai trò của hậu phương chiến
tranh, lại được trình bày tương đối khái quát, thậm chí còn mờ nhạt.
Cũng phải nhìn nhận thêm rằng, những năm qua,
do nguồn tư liệu về cuộc kháng chiến 30 năm được công bố, được khai thác chưa
nhiều, nên một số nội dung thuộc về hoặc liên quan tới công trình lịch sử viết
về cuộc chiến tranh đó chưa được đề cập đầy đủ, sâu sắc. Chẳng hạn như quá trình hình thành các chủ trương, các
giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Trung ương, của lãnh đạo, chỉ huy
các chiến trường, các địa phương; các hoạt động của lực lượng tình báo, binh
vận; quá trình hình thành, hoạt động của "lực lượng thứ ba" trong
cuộc chiến tranh 30 năm, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho sự nghiệp
kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tác động của các nhân tố quốc tế và thời đại
tới quá trình hoạch định đường lối cũng như quá trình diễn biến của cuộc chiến
tranh 30 năm...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược là cuộc chiến
tranh toàn dân, toàn diện. Đó là cuộc chiến tranh mang đậm tính chất yêu nước,
cách mạng, chính nghĩa; cuộc chiến tranh mang tầm vóc thời đại. Do vậy, trong
quá trình hình thành đề tài, phác thảo đề cương, sưu tầm, tập hợp, xử lý tư
liệu để giải quyết các vấn đề đặt ra cho công trình, điều quan trọng là phải
nắm vững quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về
chiến tranh và quân đội; nắm vững quan điểm, đường lối chính trị, đường lối
quân sự, đường lối kháng chiến của Đảng;nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn
phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu chuyên ngành; nắm vững đối tượng,
phạm vi, những nội dung thuộc về (hoặc liên quan) của một công trình lịch sử
chiến tranh trong sự khác biệt và quan hệ với đối tượng, phạm vi và những nội dung
nghiên cứu của các chuyên ngành lịch sử khác.
1. Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Tập 6 (1950 -
1952), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.164, 165.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!