Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC


PGS, TS Hồ Khang
Chiến tranh là sự tổng hợp tất cả các mặt đấu tranh quân sự , kinh tế, chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hoá… của các bên đối chiến. Các mặt đấu tranh đó tuy đều liên quan mật thiết với nhau, chi phối, tạo điều kiện thúc đẩy lẫn nhau nhưng đấu tranh vũ trang là đặc trưng cơ bản của chiến tranh. Nghệ thuật quân sự, hiểu một cách chung nhất, là nghệ thuật chỉ đạo các hoạt động đấu tranh vũ trang trong chiến tranh, là một bộ phận rất quan trọng của phương thức tiến hành chiến tranh và của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Như thế, nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nghệ thuật chỉ đạo các hoạt động đấu tranh vũ trang của cuộc chiến tranh nhân dân trên cả hai miền Nam, Bắc.
Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến tranh nhân dân trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã phát triển lên một tầm cao mới với nội dung và hình thức đấu tranh hiệu quả và rất phong phú. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Lực lượng tiến hành chiến tranh là “toàn dân đánh giặc, gồm lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt và lực lượng chính trị quần chúng: lực lượng chính trị quần chúng vừa là cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, vừa là chỗ dựa vững chắc để lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến , vừa phối hợp với lực lượng tiến công, phản công quân địch… Trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, lực lượng chính trị được tổ chức thành những đội quân chính trị trong đó có bộ phận xung kích của phụ nữ là đội quân tóc dài”[1]. Phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ bó hẹp trong hoạt động đấu tranh vũ trang (mà nghệ thuật chỉ đạo tiến hoạt động đó chính là nghệ thuật quân sự). Phương thức đó còn có phạm vi rộng lớn hơn, tầm vóc cao hơn. Một cách tổng quát, có thể thấy rằng, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “cả nước tổ chức thành một mặt trận rộng lớn, mỗi người dân yêu nước là một chiến sĩ, mỗi làng xã, đường phố là một pháo đài, mỗi chi bộ Đảng là một bộ phận tham mưu, phát huy sức mạnh tổng hợp của của sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược, đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận (3 mũi giáp công), kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp tiêu diệt địch với giành và giữ quyền làm chủ, chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực”.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tiến hành dựa trên cơ sở của đường lối, phương châm và chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, nhằm tạo nên sức mạnh hiện thực để đánh thắng chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Đó là sự phát triển phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh trên hai miền Nam, Bắc, phù hợp với sự phát triển của hai chiến lược cách mạng (cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc) và gắn bó chặt chẽ với quá trình cách mạng và chiến tranh cách mạng của ba nước Đông Dương trong xu thế phát triển mạnh mẽ của các trào lưu cách mạng thời đại. Đó còn là nghệ thuật kết hợp tiến công địch ở miền Nam với bảo vệ miền Bắc, đánh thắng chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc với tăng cường sức mạnh mọi mặt cho miền Nam; phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường Nam Bắc Việt Nam với chiến trường hai nước bạn Lào và Campuchia trên một thế chiến lược tiến công của nhân dân ba nước Đông Dương.
Trong toàn bộ nội dung trên của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh vũ trang và nghệ thuật điều hành nó – tức nghệ thuật quân sự chỉ là một bộ phận cấu thành cơ bản và là đặc trưng nổi bật của toàn bộ cuộc chiến tranh này. Dưới đây, sẽ chỉ mới đề cập nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quá trình vận động, phát triển của đấu tranh vũ trang và nghệ thuật điều hành mặt đấu tranh này gắn bó với các giai đoạn phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nói cách khác, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trên cơ sở kế thừa thành quả và kinh nghiệm của nghệ thuật quân sự thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gồm 3 bộ phận hợp thành là chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, đã phát triển lên một trình độ cao hơn, trước một đối tượng tác chiến mới chiếm ưu thế về về số lượng, trang bị vũ khí là quân đội Sài Gòn, quân Mỹ và quân đội một số đồng minh của Mỹ.
Chiến lược quân sự:
Chiến lược quân sự là lĩnh vực cao nhất, có địa vị chủ đạo của nghệ thuật quân sự. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đề ra cho chiến lược quân sự nhiều vấn đề có tính nguyên tắc về chuẩn bị lực lượng và kế hoạch, về chỉ đạo nhiệm vụ chiến lược trong đấu tranh vũ trang, đánh thắng địch về quân sự, đánh bại ý chí xâm lược của chúng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục đích chính trị của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Chiến lược quận sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến lược tiến công. Đó là chiến lược toàn dân đánh giặc dựa vào sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng quân sự và chính trị, dựa vào sự kết hợp hai hình thức đấu tranh quân sự và chính trịm, kết hợp giữa tác chiến của lực lượng vũ trang với khởi nghĩa quần chúng cách mạng; là chiến lược tiến công bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị); kết hợp giữa đánh địch với giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch và tiêu diệt địch để làm chủ ngày càng vững chắc hơn. Đó còn là chiến lược luôn giành thế chủ động và quyền chủ động tiến công địch về mặt quân sự, tiến công một cách tích cực, kiên quyết và liên tục ở mọi nơi, mọi lúc, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, hạn chế tối đa sở trường của địch .
Khả năng tiến công của quân và dân ta cả ở chiến trường miền Nam (cũng như trên vùng trời, vùng biển miền Bắc), dựa trên sự đánh giá tương quan lực lượng giữa ta và địch theo quan điểm cách mạng và khoa học, đặc biệt là đánh giá chính xác sức mạnh và khả năng thực tế của địch trong chiến tranh, ngay tại chiến trường; đánh giá đúng ưu thế về sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng, của con người Việt Nam, truyền thống văn hoá Việt Nam; vận dụng và phát huy hiệu lực các phương thức thiến công của các lực lượng trên các mặt đấu tranh ở cả 3 vùng chiến lược, ở miền Nam (và trên vùng trời, vùng biển miền Bắc); tận dụng thế trận tiến công tổng hợp rất hiểm của chiến tranh nhân dân để đánh địch một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả ngay trên đất đai Tổ quốc mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến lược quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam ở miền Nam gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đó là nghệ thuật kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy. Kế thừa truyền thống đánh giặc của tổ tiên, đặc biệt là những kinh nghiệm tích lũy được trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tốc độ phát triển từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy và hình thái kết hợp giữa hai loại hình chiến tranh này trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên từng vùng chiến lược ở miền Nam và trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, có những bước phát triển mới, rất sáng tạo và đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, đó là nghệ thuật kết hợp các phương thức tác chiến chiến lược của chiến tranh nhân dân đánh thắng các biện pháp chiến lược của địch từ càn quét, bình định trong những năm 1955 – 1964, “tìm diệt” và bình định trong những năm 1965-1968, “chiến tranh giành dân” trong những năm 1969-1972, “lấn chiếm và bình định” trong hai năm 1973, 1974. Phương thức tác chiến chiến lược đó bao gồm 6 nội dung:
- Đẩy mạnh hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực bằng các chiến dịch vừa và lớn.
- Đẩy mạnh chiến tranh du kích lên trình độ cao.
- Đánh phá căn cứ hậu cần, kho tàng, sân bay, bến cảng, cơ quan đầu não địch.
- Triệt phá đường giao thông thuỷ bộ, tạo thế bao vây, chia cắt…
- Đẩy mạnh hoạt động ở đô thị bằng cả quân sự và chính trị.
- Tác chiến kết hợp với binh vận…
Thứ ba, đó là nghệ thuật tổ chức , bố trí lực lượng và thế trận mạnh, hiểm trên chiến lược tiến công, kết hợp tiêu diệt địch để làm chủ, làm chủ để tiêu diệt địch và mở rộng không ngừng quyền làm chủ của nhân dân ta trên cả ba vùng chiến lược.
Thứ tư, đó là nghệ thuật kết hợp các nhân tố thế, lực và thời cơ, hình thành thế mạnh, đánh địch bất ngờ.
Thứ năm, đó là nghệ thuật kết hợp giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa đánh địch trong cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam với chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ ở miền Bắc và chiến tranh ngăn chặn của Mỹ trên tuyến vận chuyển chiến lược Bắc, Nam, bảo vệ vững chắc mền Bắc, giữ vững và phát triển nguồn chi viện toàn diện, mạnh mẽ, liên tục cho chiến trường miền Nam.
Thứ sáu, đó là nghệ thuật phối hợp chiến đấu với quân đội Lào, Campuchia, thực hiện Đông Dương-một chiến trường đánh Mỹ.  
Toàn bộ nội dung trên đây của chiến lược quân sự được quán xuyến trong quá trình xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho từng giai đoạn cũng như toàn bộ cuộc chiến tranh, trong đó, việc chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu và việc xác định nguyên tắc tác chiến của lực lượng vũ trang trên hướng đó là nội dung quan trọng bậc nhất của kế hoạch tác chiến chiến lược- một bộ phận hợp thành của chiến lược quân sự. Giải quyết các nội dung trên đây của chiến lược quân sự, ở từng giai đoạn cũng như trong toàn bộ 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã tổ chức và thực hiện thành công các hoạt động tác chiến chiến lược, các đòn tiến công và phản công chiến lược, tạo nên những bước chuyển lơn, làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta và bất lợi cho đối phương.
Đó là việc Đảng LĐVN quyết định chuyển cách mạng miền Nam từ Đồng khởi tiến lên thành chiến tranh cách mạng, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công về chiến lược. đó còn là hoạt động tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng trong Đông Xuân 1964 - 1965 với những chiến dịch khởi đầu như Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài làm nòng cốt, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” khi quân đội Sài Gòn còn nguyên vẹn 11 sư đoàn bộ binh. Trong những năm Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, VNDCCH mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của Mỹ, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Cuộc phản công có ý nghĩa chiến lược trên mặt trận Đường 9-Nam Lào (Xuân 1971) của ta đã đánh thắng một bước quan trọng về quân sự chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ. Tiếp đó, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với ba chiến dịch tiến công ở Quảng Trị, An Lộc, Kon Tum và hai chiến dịch tổng hợp Khu 5, Khu 8 đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam. Thắng lợi này cùng với chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri. Trên đà thắng lợi, đầu năm 1975, ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
Những hoạt động tiến công và phản công chiến lược nêu trên thể hiện hiệu lực chiến lược quân sự Việt Nam cũng như sự tài giỏi trong việc tổ chức, điều hành của các cơ quan chỉ đạo chiến lược trên mặt trận đấu tranh quân sự nói riêng, trên các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao nói chung. Đó là một chiến lược quân sự tiến công chủ động, đầu sáng tạo; một chiến lược quân sự của toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ hành động tác chiến của lực lượng vũ trang với đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng cách mạng và đó cũng là cơ sở để giải quyết thành công những vấn đề thuộc về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật trên chiến trường miền Nam.
2. Nghệ thuật chiến dịch
Nghệ thuật chiến dịch là một bộ phận trong thể thống nhất và hoàn chỉnh của nghệ thuật quân sự. Về hình thức, nó là khâu trung gian nối giữa chiến lược quân sự với chiến thuật; về nội dung, nó có tính chất độc lập tương đối, sử dụng các hoạt động chiến thuật của bộ đội để hoàn thành nhiệm vụ mà chiến lược quân sự đặt ra. Một cách tổng quát, nghệ thuật chiến dịch nghiên cứu và giải quyết các vấn đề về chuẩn bị, tổ chức, chỉ huy chiến dịch quân sự; về sắp xếp các trận chiến đấu của lực lượng vũ trang 3 thứ quân; về việc kết hợp hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang với hoạt động của các mặt đấu tranh khác – mà trước hết là đấu trang chính trị, làm cho các trận chiến đấu và các mặt hoạt động khác diễn ra trong mối liên quan mặt thiết trên một không gian và trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm những mục đích nhất định, theo một kế hoạch và dưới sự chỉ huy thống nhất, tập trung, thực hiện nhiệm vụ mà chiến lược quân sự đặt ra.
Kế thừa những kinh nghiệm chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh, từ quy mô nhỏ và vừa (liên trung đoàn, sư đoàn) lên quy mô tương đối lớn (vài sư đoàn, quân đoàn hoặc tương đương) và cuối cùng là nhiều quân đoàn; từ tác chiến trên bộ đến tác chiến đất đối không… Sự phát triển của chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch trong thời kỳ này gắn liền với sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc; gắn liền với việc đương đầu và đánh bại lực lượng quân sự trên bộ của đối phương- lực lượng này từ chỗ ban đầu gồm 30-40 vạn lính quân đội Sài Gòn đến lúc tăng lên hơn 1 triệu lính Mỹ, quân đội Sài Gòn, đồng minh của Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự phát triển phong phú về các loại hình chiến dịch là đặc trưng nổi bật của quá trình phát triển và hoàn chỉnh nghệ thuật chiến dịch Việt Nam. Sự phát triển đó được quy định bởi các nhân tố chủ yếu như : đường lối chiến tranh nhân dân và chiến lược tổng hợp của cuộc kháng chiến; sự chỉ đạo đúng đắn của cấp chiến lược về mặt quân sự và sự phát triển phong phú, sáng tạo của chiến thuật; hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ, bao gồm cả tuyến vận tải chiến lược 559 ngày càng được củng cố vững chắc và không ngừng lớn mạnh…
Các loại hình chiến dịch thời kỳ này nếu xếp theo phương thức tiến hành chiến tranh thì gồm chiến dịch của chiến tranh du kích (chiến tranh nhân dân địa phương) và chiến dịch chính quy đánh tập trung; nếu xếp theo lực lượng tiến hành thì gồm chiến của chủ lực, chiến dịch địa phương, chiến dịch tổng  hợp; theo hình thức tác chiến, gồm chiến dịch tiến công, chiến dịch phản công, chiến dịch phòng ngự, chiến dịch chống càn (mang tính chất tiến công), chiến dịch phòng không. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội NDVN đã thực hiện trên dưới 50 chiến dịch mà phổ biến nhất là loại hình chiến dịch tiến công.
Một cách tổng quát, có thể phân chia các bước phát triển chiến dịch và nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành các giai đoạn lịch sử sau đây:
-Từ 1964 đến 1965: là giai đoạn QĐNDVN bắt đầu vận dụng nghệ thuật chiến dịch tiến công qua các chiến dịch khởi đầu như chiến dịch Bình Giã (từ 2-12-1964 đến 7-3-1965), chiến dịch Đồng Xoài (từ 10-5 đến 2-7-1965), chiến dịch Ba Gia (từ 29-5 đến 20-7-1965). Đây là các chiến dịch tiến công có quy mô sử dụng lực lượng liên trung đoàn, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, được sự đảm bảo một phần về hậu cần của nhân dân địa phương trên địa bàn chiến dịch, đánh vào đối tượng chủ lực quân đội Sài Gòn là chính, diễn ra ở khu vực rừng núi hoặc giáp ranh trên một không gian khoảng 2 đến 3 huyện và trong thời gian từ 1 đến 2 tháng. Đặc điểm của các loại hình chiến dịch tiến công kỳ đầu này là mang tính chất tổng hợp – kết hợp tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhằm thực hiện mục tiêu tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ.
-Từ giữa năm 1965 đến năm 1968: là giai đoạn QĐNDVN trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ. Trong giai đoạn này, có các chiến dịch tiến công Plây Me, Tây Nguyên (từ 19-10 đến 26-11-1965), chiến dịch tiến công Bầu Bàng – Dầu Tiếng ở Đông Nam Bộ (từ 1-11 đến 27-11-1965), chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh ở Quảng Ngãi (từ 20-2 đến 20-4-1966), chiến dịch tiến công Sa Thầy ở Tây Nguyên (từ 18-10 đến 6-12-1966), chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti, Đông Nam Bộ (từ 22-2 đến 15-4-1967), chiến dịch tiến công Đắc Tô ở bắc Tây Nguyên (từ 3 đến 23-11-1967). Chiến dịch tiến công Đường số 9 – Khe Sanh ở bắc Quảng Trị (Xuân Hè 1968) và các cuộc tiến công vào nội đô Sài Gòn và Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có quy mô như những chiến dịch tiến công mang tính chất chiến lược… Như thế, về loại hình, bên cạnh các chiến dịch tiến công, đã xuất hiện các chiến dịch phản công; về quy mô, lực lượng tham gia chủ yếu là cấp sư đoàn hoặc sư đoàn tăng cường cùng lực lượng vũ trang địa phương; về cách đánh chiến dịch và sự chỉ đạo vận dụng chiến thuật trong chiến dịch cũng như nghệ thuật vận dụng các mưu kế, lập thế trận chiến dịch, nghệ thuật tổ chức, điều hành chiến dịch có sự phát triển cao hơn giai đoạn trước.
- Từ 1970 đến năm 1971: là giai đoạn Mỹ,quân đội Sài Gòn mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương. Đây là giai đoạn VNDCCH mở các hoạt động và các chiến dịch phản công như: hoạt động phản công làm thất bại cuộc tiến công sang Cam-pu-chia của Mỹ, quân đội Sài Gòn; ba chiến dịch phản công đánh bại ba cuộc hành quân quy mô lớn của đối phương ở Đường số 9-Nam Lào, đông bắc Cam-pu-chia và Đường số 6 (Công Pông Chàm-Công Pông Thom). Nghệ thuật chiến dịch phản công của QĐNDVN đã phát triển lên một trình độ mới, khá hoàn chỉnh: Lực lượng sử dụng lên tới tương đương cấp quân đoàn, diễn ra ở vòng ngoài chiến trường chính miền Nam Việt Nam, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo thế và lực cho cuộc tiến công chiến lược 1972.
- Năm 1972, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, QĐNDVN tiến hành đồng thời 3 chiến dịch tiến công lớn với lực lượng sử dụng ở mỗi chiến dịch tương đương cấp quân đoàn tăng cường, trên 3 hướng chiến lược quan trọng thuộc chiến trường chính miền Nam và Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; đột phá thẳng vào hệ thống phòng ngự kiên cố của đối phương. So với các chiến dịch tiến công giai đoạn trước, đây là những chiến dịch có quy mô lớn hơn, không gian rộng hơn, thời gian dài hơn. Bên cạnh các chiến dịch tiến công của các binh đoàn chủ lực, ta còn liên tiếp mở 2 chiến dịch tiến công tổng hợp ở Bắc Bình Định (Trung Bộ) và ở Khu 8 (Nam Bộ). Trên miền Bắc, Quân chủng Phòng không – Không quân cùng lực lượng Phòng không địa phương tiến hành chiến dịch phòng không quy mô lớn đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phong. Bắc Lào, Việt Nam và Lào thực hiện thắng lợi chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Như vậy, đây là giai đoạn mà các loại hình chiến dịch của ta phát triển phong phú, nghệ thuật chiến dịch phát triển toàn diện và khá hoàn chỉnh.
-Từ năm 1973 đến năm 1975, trên cơ sở tạo thế và lực của hai năm 1973, 1974, QĐNDVN mở 3 chiến dịch lớn kế tiếp nhau là Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, Hồ Chí Minh với quy mô lực lượng lớn, trên một không gian rộng, trong một thời gian ngắn. Với 3 chiến dịch này, loại hình chiến dịch tiến công đã có bước phát triển mới, mang ý nghĩa chiến lược. Nó có các đặc điểm chủ yếu như: do cấp chiến lược trực tiếp chỉ đạo, do từng tập đoàng chiến dịch binh chủng hợp thành tương đối lớn thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của bộ đội địa phương, dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch, nhằm mục đích tiêu diệt và làm tan rã lớn từng địa bàn chiến dịch -  chiến lược của đối phương, giải phóng từng địa bàn chiến lược, tạo nên sự đột biến chiến dịch và đưa đến sự phá vỡ thế chiến lược của đối phương; các hình thức chiến thuật phát triển phong phú và ở trình độ cao, nhất là nghệ thuật tổ chức thực hành các trận then chốt…
Nhìn chung, trong kháng chiến chống Mỹ, nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân phát triển lên một trình độ mới. Sự phát triển này được biểu hiện trên những nội dung thuộc về nghệ thuật chiến dịch như chọn hướng, mục tiêu, đối tượng tác chiến chiến dịch; tổ chức, sử dụng lực lượng; lập thế trận; chọn cách đánh; chuẩn bị và thực hành chiến dịch; chỉ đạo chiến thuật trong chiến dịch; tổ chức chỉ huy, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; phát huy nhân tố chính trị-tinh thần trong chiến dịch… Tựu trung, nghệ thuật chiến dịch quân sự Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã giải quyết thành công các nội dung trên đây, trong đó đặc biệt đáng chú ý các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, nghệ thuật lập thế trận chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam, phá thế trận chiến dịch của địch có bước phát triển mới. Sự phát triển đó gắn liền với thế trận chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao, trên khắp cả 3 vùng chiến lược. Thế trận đó lồng xen với vùng địch kiểm soát, áp sát và bao vây các vùng ven đô thị, các căn cứ quân sự, hậu cần và các tuyến giao thông huyết mạch trên khắp chiến trường miền Nam. Thế trận đó cho phép quân và dân Việt Nam thực hành chiến lược tiến công bằng hai lực lượng quân sự, chính trị, buộc đối phương luôn phải dàn mỏng lực lượng và bị động chống đỡ ở khắp mọi nơi, vào mọi lúc… Dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, ở các chiến dịch, QĐNDVN đã bố trí, triển khai các lực lượng và thiết bị chiến trường một cách thích hợp; đã xây dựng được thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc và cơ động. Nhìn chung, nghệ thuật tạo thế trận chiến dịch của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ rất linh hoạt, biến hoá theo sự thay đồi về so sánh về thế và lực giữa hai bên và theo yêu cầu nhiệm vụ chiến lược…
Thứ hai, việc xác định hướng (khu vực) và mục tiêu chiến dịch đúng đắn, sát hợp là một trong những thành công nổi bật của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vấn đề này trước hết tuỳ thuộc vào sự so sánh tương quan lực lượng giữa đôi bên về chiến dịch, vào yêu cầu nhiệm vụ chiến lược, vào điều kiện đảm bảo vật chất – kỹ thuật và điều kiện địa hình. Ví như những năm khi Mỹ đưa quân Mỹ vào niềm Nam trực tiếp tham chiến, lúc đầu Việt Nam chọn vùng rừng núi và vùng giáp ranh làm hướng chủ yếu để mở các chiến dịch. Đến đầu năm 1968, đồng thời với địa bàn trên, chọn đô thị, nhất là các đô thị lớn làm hướng tiến công chủ yếu. Tiếp đó, năm 1972, chọn tuyến phòng ngự chiến lược cơ bản của đối phương để mở 3 chiến dịch tiến công lớn. Trong các chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá chương trình “bình định”, QĐNDVN đã chọn đúng hướng để mở mảng, mở vùng là khi vực đồng bằng đông dân cư, nơi có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai phía… Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, việc chọn Tây Nguyên làm địa bàn mở đòn tiến công chiến lược đầu tiên và việc chọn Buôn Mê Thuột là mục tiêu đột phá là một mẫu mực mang tính kinh điển và nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thứ ba,tổ chức lực lượng và tổ chức chỉ huy chiến dịch có bước phát triển mới. Ví như, trong giai đoạn từ năm1964 đến khi kết thúc chiến tranh cục bộ (1968), về quy mô lực lượng chiến dịch, QĐNDVN sử dụng từ liên trung đoàn lên tới sư đoàn, sư đoàn tăng cường rồi liên sư đoàn: về chỉ huy chiến dịch, thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương và cơ quan chiến dịch tiền phương. Năm 1972, khi quy mô lực lượng sử dụng trong các chiến dịch trên các hướng chiến lược lên tới quân đoàn, quân đoàn tăng cường thì về các mặt tổ chức chỉ huy, trên các hướng chiến dịch tiến công tổng hợp, trong điều kiện sử dụng bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích xã ấp phối hợp chiến đấu với quần chúng trên địa bàn mở chiến dịch thì  về mặt tổ chức huy, QĐNDVN tổ chức cơ quan chỉ đạo chỉ huy thống nhất gồm các  chủ trì cấp uỷ địa phương và các chỉ huy quân sự… Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là đỉnh cao về nghệ thuật tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy. Về tổ chức lực lượng chiến dịch, QĐNDVN sử dụng từng tập đoàn chiến dịch bình chủng hợp thành (bao gồm từ 1 đến 2 quân đoàn và tương đương đến 5 quân đoàn và tương đương). Về tổ chức chỉ huy, trong chiến dịch Tây Nguyên, bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch còn có đại diện Bộ Tổng tư lệnh thay mặt Bộ Tổng tư lệnh quyết định trực tiếp các tình huống chiến dịch quan trọng; trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trên thực tế, Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy các cánh quân tiến công Đà Nẵng; đến chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh chiến dịch là Uỷ viên dự khuyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội; Chính uỷ chiến dịch là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính uỷ Miền … Một bộ tư lệnh như vậy có đủ khả năng và quyền hạn để chỉ huy tập trung, thống nhất toàn bộ các lực lượng tham gia chiến dịch lịch sử mang tên CHồ Chí Minh, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thứ tư, xác định cách đánh chiến dịch đúng đắn, sáng tạo là một nội dung nổi bật của nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách đánh là lĩnh vực biểu hiện tập trung nhất tính sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch, là căn cứ quan trọng để tiến hành tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Nó tuỳ thuộc vào các yếu tố như mục đích, nhiệm vụ chiến dịch, tình hình địch – ta, địa hình, thời tiết... trên địa bàn chiến dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách đánh chiến dịch gắn liền với quán trình phát triển của cuộc kháng chiến nói chung, của thế trận chiến lược và lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng. Nói cách khác, cách đánh chiến dịch  trong kháng chiến chống Mỹ là sự kế thừa và phát triển lên một trình độ mới cách đánh chiến dịch thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là cách đánh chiến dịch của chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển trên cả 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị), là sự vận dụng tổng hợp cách đánh giá của lực lượng vũ trang ba thứ quân có kết hợp với những mức độ khác nhau với lực lượng chính trị, là sự kết hợp nhiều phương thức và quy mô tác chiến, trong đó, phương thức tác chiến hợp đồng binh chủng ngày càng giữ vị trí quan trọng và về cuối cuộc chiến, giữ vai trò chủ yếu.
Các chiến dịch của QĐNDVN mở ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhằm một số mục đích quan trọng, nhất là tiêu chuẩn diệt sinh lực địch vì đó là tiền đề để đạt các mục đích khác. Thực tiễn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cho thấy, để đạt mục đích chủ yếu trên đây, về cách đánh chiến dịch, về việc tạo tình hướng và thời cơ để thực hành các trận then chốt và trận then chốt quyết định, phải vận dụng mưu kế trong chỉ huy để đảm bảo tính chủ động, bất ngờ, linh hoạt, chắc thắng…
Trên cơ sở quán triệt những đặc điểm, yêu cầu trên đây, cách đánh chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được vận dụng và phát triển phù hợp với các loại hình chiến dịch khác nhau như chiến dịch tiến công, chiến dịch phản công, chiến dịch phòng ngự.
Đối với chiến dịch tiến công – một loại hình chiến dịch chủ yếu, chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các chiến dịch được mở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cách đánh được thể hiện tập trung ở hai phương thức tác chiến cơ bản: tiến công địch ở ngoài công sự bằng cách đánh vận động là chủ yếu là tiến công khu vực phòng ngự của địch bằng đánh trận địa. Thuộc loại hình này còn có chiến dịch tiến công tổng hợp. Cách đánh của loại chiến dịch tiến công tổng hợp. Cách đánh của loại chiến dịch này là tiến hành đồng thời và phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy cảu quần chúng trên địa bàn mở chiến dịch để tiêu diệt sinh lực địch, giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ.
Đối với loại hình chiến dịch phản công, cách đánh chủ yếu là kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến ngăn chặn và các lực lượng vũ trang tại chỗ với tác chiến của các đơn vị chủ lực cơ động nhằm tiêu diệt những bộ phận lực lượng chủ yếu của địch, bẻ gãy từng mũi, từng cánh, từng đợt phản công của địch.
Phòng ngự   loại hình chiến dịch ít được tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã cho thấy, cách đánh chiến dịch phòng ngự là kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tiến công, kiên quyết giữ vững trận địa với tích cực phản kích và tiến công ra ngoài trần địa, chớp thời cơ, mở các trận phản đột kích then chốt tiêu diệt lực lượng tiến công nòng cốt của địch.
Nhìn chung lại, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Đó là nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu, chọn đối tượng tác chiến; nghệ thuật tạo thế mình, phát thế đối; nghệ thuật phân tán, chia cắt, cô lập đối phương và tập trung lực lượng ưu thế để đánh đòn quyết định vào nơi và vào lúc quyết định. Đó còn là nghệ thuật lựa chọn và vận dụng cách đánh đảm bảo đánh trúng, đánh hiểm, đánh tiêu diệt, tạo sự đột biến về chiến dịch và chiến lược, góp phần dẫn đến các bước ngoặt trong cục diện chiến tranh.
3. Chiến thuật
Chiến thuật là bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự, gồm lý luận và thực tiễn chuẩn bị và thực hành các trận chiến đấu, chịu sự chỉ đạo của chiến lược và nghệ thuật chiến dịch. Trận chiến đấu là hành động cơ bản của đấu tranh vũ trang, là biểu hiện cụ thể của chiến dịch và chiến lược. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên nền chung của thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao ở cả hai miền Nam, Bắc, các trận chiến đấu không phải chỉ là đấu tranh vũ trang có tổ chức của các đơn vị chủ lực, các binh đoàn chủ lực mà còn là của các đơn vị bộ đội địa phương. Dân quân du kích, tự vệ, nhân dân có tổ chức hoặc tự động đánh giặc…
Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của chiến thuật trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thuật trong kháng chiến chống Mỹ phát triển lên một tầm cao mới với hình thức và nội dung rất phong phú, sáng tạo. Đó là chiến thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đối đầu và đánh bại đội quân xâm lược Mỹ và quân đội Sài Gòn, bao gồm chiến thuật của các quân chủng, binh chủng, bộ đội và binh chủng hợp thành: của từng cấp (đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn): của lực lượng dân quân, du kích các địa phương, các chiến trường.
Sự hình thành và quá trình phát triển của chiến thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước liên quan tới các yếu tố tác động chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đó là truyền thống độc đáo về nghệ thuật quân sự của quân dân Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, mà biểu hiện tập trung nhất là ở việc toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân là nồng cốt.
Thứ hai, đó là đối tượng chiến thuật gồm quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, quân một số nước đồng minh của Mỹ. Mỗi đối tượng có đặc điểm riêng nhưng cũng có điểm chung như vũ khí, trang bị, quân số, hoả lực, sức cơ động, đảm bảo hậu cần vượt trội so với ta song lý tưởng và tinh thần chiến lại non kém.
Thứ ba, đó còn là một số nhân tố liên quan tới tình hình cụ thể như lòng dân ở hậu phương và nơi tiền tuyến cũng như trong vùng địch kiểm soát luôn hướng về cách mạng, một lòng đi theo Đảng, bằng nhiều hình thức giúp đỡ, chở che, đùm bọc bộ đội và tham gia phục vụ chiến đấu và chến đấu; lực lượng vũ trang được tổ chức, xây dựng và tăng cường theo một đường lối đúng đắn, có ý chí, quyết tâm, kinh nghiệm và sức sáng tạo trong chiến đấu.
Thứ tư, địa hình, thời tiết, khí hậu khá phức tạp, hình thành nhiều vùng khác nhau, tác động tới chiến thuật của các bên tham chiến. Có điều, dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển, lực lượng vũ trang ta đã khéo lợi dụng và khai thác tốt điều kiện địa hình, thời tiết khí hậu để phục vụ cho ý đồ chiến thuật của mình.
Căn cứ vào những yếu tố tác động có liên quan (tình hình địch, ta, đối tượng tác chiến…) và sự vận dụng, phát triển cảu các loại hình chiến thuật, có thể phân chia quá trình phát triển của chiến thuật kỳ này thành 3 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn đầu, từ phong trào Đồng khởi đến đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặt biệt” (1961 – 1965). Trong giai đoạn này, bộ đội ta trên chiến trường miền Nam chủ yếu vận dụng các hình thức chiến thuật đã được tổng kết trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là chiến thuật vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, tập kích.
Giai đoạn thứ hai, giai đoạn đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965 – 1968). Trước đối tượng có quân số đông, vũ khí trang bị dồi dào, hiện đại, có hoả lực và sức cơ động cao, lại chiếm ưu thế áp đảo trên biển, trên sông, trên không nên trong giai đoạn này, để đương đầu và đánh bịa địch, ta chủ trương đẩy mạnh đánh đêm và đánh gần, “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Vì vậy, ở miền Nam, hình thức chiến thuật mà lực lượng vũ trang ta vận dụng và phát triển rộng rãi là tập kích (chiếm 54,14% trong tổng số trận đánh), vận động tiến công (thường là vận động tiến công kết hợp chốt), phục kích.
Giai đoạn thứ ba, gia đoạn đánh thắng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969 – 1975). Trong giai đoạn này, lực lượng vũ trang trên chiến trường vận dụng  và phát triển các loại hình chiến thuật như tập kích, vận động tiến công địch đang cơ động, tạm dựng hoặc mới chuyển vào phòng ngự nhưng chưa có công sự vững chắc; tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, phòng ngự.
Trải qua 15 năm chiến đấu (1961 – 1975), chiến thuật của lực lượng vũ trang Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ có sự phát triển liên tục, mạnh mẽ, với những hình thức và thủ đoạn chiến thuật chủ yếu như:
Chiến thuật của chiến tranh du kích là hình thức chiến thuật cơ bản trong hoạt động đấu tranh vũ trang của đông đảo quần chúng cách mạng, bao gồm cả lực lượng vũ trang ở các thôn, ấp, bản, xã, xí nghiệp, thị trấn, thành phố và những đơn vị vũ trang tập trung như của các địa phương và một số đơn vị chủ lực hoạt động phân tán. Cách đánh của các lực lượng này là sử dụng lực lượng nhỏ, cơ động, linh hoạt, bằng mọi loại vũ khí sẵn có, tổ chức đánh tỉa, phục kích, tập kích nhỏ lẻ, phá huỷ phương tiện và trang bị, vũ khí, cơ sở hậu cần của địch, hệ thống đường giao thông, sở chỉ huy, bồn đốt…
Chiến thuật tác chiến chính quy (của đánh tập trung) là hình thức sắp xếp, tổ chức các trận chiến đấu do lực lượng vũ trang tập trung đóng vai trò chủ yếu (trong tác chiến hiệp đồng). Các trận chiến đấu này gồm các hình thức; chiến đấu tiến công, phản công, phòng ngự; trong đó, phản công và tiến công là hình thức tác chiến chủ yếu, cơ bản nhằm tiêu diệt địch, giải phóng dân, giành đất, hoàn thành nhiệm vụ của chiến dịch hoặc chiến lược…
Chiến thuật trong kháng chiến chống Mỹ gồm có các đặc trưng chủ yếu:
- Chiến thuật của phát huy ưu thế chính trị-tinh thần của lực lượng vũ trang cách mạng, xem đó là một trong những nhân tố cơ bản để khắc phục mọi thiếu thốn, khó khăn về vũ khí, phương tiện chiến tranh, đảm bảo hậu cần; để xây dựng và củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu, là điều kiện thiết yếu để vận dụng sáng tạo và phát triển các hình thức chiến thuật trong các tình huống mới của cuộc chiến. Chính vì thế, công tác Đảng, công tác chính trị trước, trong và sau mỗi trận đánh được lãnh đạo, chỉ huy đặc biệt chú ý nhằm xây dựng ý chí và quyết tâm chiến đấu cao, phát huy mạnh mẽ bản lĩnh chiến đấu, tính năng động, sức sáng tạo, sự linh hoạt của từng người, từng bộ phận để tạo nên sức mạnh to lớn.
- Chiến thuật của quân đội nhân dân Việt Nam là chiến thuật tiến công kiên quyết, phòng thủ kiên cường, buộc địch phải đánh theo cách của ta, vào nơi và lúc do ta lựa chọn. Các trận chiến đấu thời kỳ này  thường được thực hiện vào ban đêm là lúc địch khó quan sát, ta dễ che dấu lực lượng, có điều kiện áp sát mục tiêu để tạo thế bất ngờ. Ngoài ra, khi quân Mỹ vào tham chiến, cách đánh của ta là đánh gần, đánh quần lộn, “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, không cho địch phân tuyến và chính cách đánh này của ta đã hạn chế ưu thế về vũ khí, hoả lực, phương tiện chiến tranh dồi dào, hiện đại vốn là ưu thế của địch. Lối đánh tiến công kiên quyết và chủ động, phòng thủ kiên cường của bộ đội Việt Nam đã làm cho chiến thuật của đối phương bị “tréo giò”, bị động, chắp vá, kém hiệu quả bởi quân Mỹ, quân đồng minh và quân Sài Gòn được huấn luyện để tiến hành “chiến tranh quy ước” – kiểu chiến tranh phân vùng, phân tuyến rõ rệt; lực lượng của hai bên dàn thành trận tuyến…
- Chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy mạnh mẽ tính mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, chú trọng công tác nắm địch, khéo tạo và vận dụng thời cơ, đánh bất ngờ, kiên quyết, táo bạo và dũng mãnh, nhằm vào chỗ sơ hở, hiểm yếu của địch. Tất thảy điều đó đảm bảo để trong mỗi trận đấu, chúng ta đánh địch trên thế mạnh, thế bất ngờ, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy lý chí, trí tuệ con người để thắng vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch.
- Chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam là chiến thuật hiệp đồng 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ), hiệp đồng các binh chủng, quân chủng; là chiến thuật kết hợp tính linh hoạt, táo bạo, bí mật, bất ngờ của cách đánh du kích với tính tổ chức, kỷ luật “bài bản” và kiên quyết của cách đánh tập trung, chính quy. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhịp độ phát triển của cuộc chiến tranh và gắn với các bước trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng, sự kết hợp, hiệp đồng trên đây diễn ra ngày càng nhịp nhàng, ngày càng hiệu quả trên cơ sở mỗi chiến sĩ, mỗi bộ phận, mỗi đơn vị phát huy tính độc lập và chủ động của bản thân để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được phân công.
Tóm lại, thời kỳ này, chiến thuật của chiến tranh cách mạng miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ, sinh động. Đó là sự kết hợp nhiều phương pháp và hình thức đánh địch, sử dụng mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí, trang bị hiện có, tận dụng mọi điều kiện thời tiết và địa hình, đánh địch trong mọi tình huống, ở mọi nơi, và mọi lúc… Lối đánh đó dựa vào tính năng động chủ quan, trí thông minh, sự sáng tạo và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân phát triển ở cả 3 vùng chiến lược và dựa vào sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ, tham gia hiệu quả của nhân dân các địa phương.
Trên những nét phát triển mới, nghệ thuật quân sự Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một số đặc điểm chủ yếu sau đây:
Đó là nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân làm nòng cốt, trong cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao ở cả 3 vùng chiến lược, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao;
Đó là nghệ thuật quân sự lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trang bị, vũ khí ít hơn và kém hiện đại hơn đánh thắng quân địch có trang bị kỹ thuật dồi dào và hiện đại;
Đó là nghệ thuật kết hợp lực lượng, thế, thời, hình thành thế mạnh, đánh địch bất ngờ;
Đó là nghệ thuật phát huy ưu thế về chính trị-tinh thần, kết hợp quyết tâm, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn;
Đó là nghệ thuật tác chiến cả chiến lược, chiến dịch, chiến đấu; đánh theo cách đánh do ta lựa chọn, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta.
Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy, quân và dân Việt Nam đã giải quyết thành công những vấn đề rất cơ bản thuộc về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trong cuộc đụng đầu lịch sử với đội quân nhà nghề Mỹ và đồng minh của Mỹ, cả ở trên bộ, trên không, trên sông, trên biển. Trong cuộc đụng đầu này, dựa vào lòng yêu nước của nhân dân vững tin ở sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân, đã xây dựng và phát triển được thế trận chiến tranh nhân dân, ngày càng hoàn chỉnh và vững chắc trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đó là thế trận xen cài giữa vùng ta và vùng địch kiểm soát, bao gồm những cơ sở cách mạng, căn cú, khu du kích, vùng giải phóng, vùng căn cứ được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị một cách hợp lý trên khắp các vùng chiến lược. Đặc biệt, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng và không ngừng mở rộng, vươn sâu, vươn xa về phía nam và tới các chiến trường, chẳng những nối liền hậu phương lớn miền Bắc với hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, mà còn nối vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thành thế trận liên hoàn; thành căn cứ đứng chân của các binh đoàn chủ lực. Thế trận đó buộc Mỹ – nguỵ phải sử dụng một bộ phận binh lực quan trọng để đối phó. Trên thực tế, những năm chống đế quốc Mỹ, chỉ riêng việc ba khối chủ lực mạnh của ta đứng chân ở Tây Trị Thiên, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng đã tạo nên thế uy hiếp thường xuyên đối với toàn bộ chiến trường miền Nam. Rõ ràng, thế trận chiến tranh nhân dân ở miền Nam là thế trận liên hoàn và rất hiểm hóc. Thế trận đó cho phép quân và dân thực hành chiến lược tiến công địch rộng khắp, liên tục, ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị, bằng nhiều hình thức, với những vũ khí có trong tay. Bị bao vây, chia cắt, bị tiến công liên tục mọi nơi mọi lúc, Mỹ, quân đội Sài Gòn buộc phải dàn mỏng lực lượng để đối phó, khiến cho ưu thế về quân số, hoả lực, sức cơ động của chúng bị hạn chế trước sự vây hãm của thế trận đan cài, xen kẽ. Suốt cuộc chiến tranh, Mỹ, quân đội Sài Gòn luôn bị lâm vào tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng giữ và tiến công, giữa “tìm diệt” và “bình định”.
Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, đã phát triển và kết hợp lực lượng quân sự và chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, phát triển và kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy. Chiến tranh du kích trong kháng chiến chống Mỹ phát triển đến trình độ cao, trở thành chiến tranh nhân dân địa phương, có tác dụng tiêu hao, tiêu diệt rộng rãi một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; ghìm chặt địch trên các địa bàn chiến lược, buộc chúng phải phân tán binh lực chống đỡ, bộc lộ sơ hở, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực đẩy mạnh hoạt động. Nghệ thuật quân sự Việt Nam coi trọng phương thức tác chiến của các binh đoàn chủ lực, binh chủng hợp thành, coi trọng những trận đánh lớn, những chiến dịch gây thôi động mạnh, làm rung chuyển thế trận chiến lược của địch, tạo ra những bước ngoặt quyết định trong cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Từ những chiến dịch khởi đầu ở Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài trong Xuân Hè 1965 góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt, chủ lực ta tiến lên mở các chiến dịch lớn như Plây Me, Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên… Đặc biệt, giai đoạn kết thúc chiến tranh, bằng ba đòn tiến công chiến lược của lực lượng binh chủng hợp thành, Việt Nam đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để đánh bại lực lượng quân sự của đối phương, quan đó bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề chọn hướng tiến công trên tất cả các lĩnh vực chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đồng khởi mùa xuân 1960, quân dân miền Nam tiến công và nổi dậy đập tan chính quyền cơ sở địch ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công trên khắp ba vùng chiến lược. Mùa xuân 1968, Quân giải phóng “lừa địch” ở Đường 9 – Khe Sanh và bất ngờ chuyển hướng tiến công chiến lược vào một loạt đô thị trên toàn miền Nam, đập tan tham vọng giành thắng lợi về quân sự của Mỹ. Mùa xuân 1972, sử dụng các binh đoàn chủ lực đánh mạnh và đập vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài vững chắc của địch ở Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Mùa xuân 1975, căng đối phương ra và ghìm chặt ở hai đầu chiến tuyến là Trị Thiên và Đông Nam Bộ; đồng thời tập trung binh lực tiến công mãnh liệt địch ở quãng giữa là Tây Nguyên, tiêu diệt Quân đoàn 2 và Quân khu 2 của quân đội Sài Gòn, cắt đôi thế trận chiến lược, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Cùng lúc đó, kịp thời sử dụng lực lượng giải phóng các đảo và quần đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, thu hồi phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghệ thuật tiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ là nghệ thuật chọn hướng mà còn là nghệ thuật chọn mục tiêu, chọn hình thức và phương thức tiến công. Trên nền của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển sâu rộng, quân và dân ở khắp các chiến trường, địa phương đã sáng tạo những cách đánh đầy hiệu quả, nhằm vào những khu vực mục tiêu “yết hầu”, “huyết mạch”, “tim óc”, như hệ thống căn cứ quân sự – hậu cần – kỹ thuật, hệ thống giao thông, các cơ quan đầu não chỉ đạo của địch ở sâu trong các đô thị trên toàn miền … Cách đánh đó dựa trên tính năng động chủ quan, trí thông minh, lòng quả cảm và tài sáng tạo của quân và dân Việt Nam – những con người yêu nước thiết tha, chẳng những dám đánh mà còn biết đanh, biết thắng một cách có lợi nhất, phù hợp với truyền thống quân sự Việt Nam. 
Trên vùng trời, vùng biển miền Bắc, những năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân đã xây dựng, phát triển mạnh mẽ thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm trung và tầm cao. Dựa trên thế trận đó, kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng phương thức tác chiến tại chỗ, rộng khắp của lực lượng phòng không, phòng thủ biển ba thứ quân với phương thức tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng của lực lượng phòng không chủ lực, đánh bạo các bước leo thang chiến tranh của không quân, hải quân Mỹ.
Hình thành và phát triển trong cuộc chiến tranh cách mạng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được nâng lên một tầm cao mới, trở thành nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam – xét cả về bản chất, quy mô, cường độ cuộc chiến; cả về vũ khí và phương tiện chiến tranh cũng như việc giải quyết vấn đề chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật và kỹ thuật. Đó là nền nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, nền nghệ thuật kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp giữa đánh nhỏ, đánh vừa và đánh lớn, kết hợp các nhân tố lực – thế – thời, đánh địch một cách bất ngờ, tạo nên sức mạnh đánh thắng lực lượng quân sự địch và các chiến lược chiến tranh, qua đó, góp phần quan trọng đánh bại ý chí xâm lược của đối phương, hoàn thành mục tiêu giải miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Đó là một biểu hiện rực rỡ của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

[1] Trung tâm từ điển bách khoa quân sự BQP: Từ điển BKQSVN, NXB QĐND, HN. 1976, tr 174

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!