PGS,TS. Hồ Khang
Nghệ thuật quân sự, hiểu một cách chung
nhất, là nghệ thuật chỉ đạo các hoạt động đấu tranh vũ trang trong chiến tranh.
Đây là một bộ phận vô cùng quan trọng của phương thức tiến hành chiến tranh và
của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh. Nghệ thuật quân sự hiện đại của Đảng
là một thành công rực rỡ về sự vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự của chủ
nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của đất Việt Nam - một nước nhỏ bé, kinh
tế lạc hậu, kém phát triển, luôn luôn phải đối đầu với những kẻ xâm lược có
tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh và lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần.
Qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ và giải phóng Tổ quốc vĩ
đại (kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ), nghệ thuật quân sự của Đảng CSVN đã
hình thành và phát triển từng bước, nội dung ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam gồm những nội dung
chính sau:
Nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam là nghệ
thuật tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, kết hợp đấu tranh vũ trang với
đấu tranh chính trị
Xuất phát từ đặc điểm cơ bản của chiến tranh cách mạng
Việt Nam là một nước nhỏ chống trả lại với những nước lớn, “lấy yếu chống
mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, Đảng CSVN đề ra đường lối tiến hành chiến tranh
nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Với đường lối đó, nghệ thuật
quân sự của Việt Nam trước hết là nghệ thuật quân sự của toàn dân đánh giặc, đánh giặc bằng mọi lực lượng, mọi thứ vũ khí và mọi cách đánh. Đó cũng là sự kế
thừa và phát huy lên một trình độ mới nghệ thuật quân sự truyền thống của dân
tộc.
Để đánh thắng những đội
quân xâm lược lớn của chủ nghĩa đế quốc, Đảng CSVN không
chỉ dựa vào lực lượng vũ trang, mà dựa vào sức mạnh của toàn dân, tiến hành
chiến tranh toàn dân. Trong các cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc từ khi Đảng CSVN ra đời, toàn dân đứng lên, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang nhân dân, trực
tiếp chiến đấu chống lại sự thống trị, sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, giữ
vững độc lập, tự do cho Tổ quốc. Huy động toàn bộ sức mạnh tinh thần, vật chất,
trí tuệ của toàn dân tộc, tổ chức kháng chiến toàn dân, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng những kẻ thù to lớn và mạnh
hơn gấp nhiều lần. Khối đoàn kết toàn dân đánh giặc đã bao vây, chia cắt lực
lượng mạnh của đối
phương ra mà đánh, làm cho đối phương suy yếu, rồi đi đến thất bại hoàn toàn. Chiến tranh toàn dân của Việt Nam có lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với
nhau, với cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, có đầy đủ khả năng làm đối phương bị tiêu hao lớn, làm thất bại mọi cuộc tiến công của chúng. Đối phương dù có tăng cường lực lượng và trang bị vũ khí trên chiến trường đến đâu,
cũng không thể nào đối phó với lực lượng toàn dân đánh giặc, không thể có thế
chủ động trên chiến trường. Đi đôi với nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng quân sự của
đối
phương, đấu tranh vũ trang còn có nhiệm vụ bảo vệ dân, giữ dân,
giành dân, làm chỗ dựa cho quần chúng cách mạng. Do vậy, trong khi đẩy mạnh tấn
công định bằng đấu tranh vũ trang, không quên tấn công đối phương mạnh mẽ bằng đấu tranh chính trị. Dựa vào sức mạnh của chính nghĩa và lực
lượng đoàn kết, có tổ chức của đông đảo quần chúng, các cuộc đấu tranh chính
trị nhằm đạt được những mục đích nhất định trên mọi phương diện. Đấu tranh
chính trị là con đường tất yếu đưa quần chúng nhân dân từng bước tiến lên trên
mặt trận cách mạng, từ hình thức thấp đến hình thức cao. Ngoài ra, trong cuộc
kháng chiến toàn dân, lực lượng chính trị của quần chúng không chỉ là lực lượng
tham gia xây dựng hậu phương, chi viện cho tuyền tuyến, mà còn là lực lượng
trực tiếp tiến công đối
phương bằng nhiều hình thức phong phú như đấu tranh chính trị
trực diện với đối
phương, nổi dậy giành chính quyền với mức độ làm chủ khác nhau,
tham gia chiến tranh du kích, vận động binh lính đối phương… cùng với lực lượng vũ trang của nhân dân thực hiện sự kết hợp chặt chẽ
đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nổi dậy với tác chiến bằng những
hình thức đấu tranh phong phú và vô cùng đa dạng. Đó chính là nghệ thuật kết
hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, tiến công đối phương bằng cả lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng, tiến công đối phương cả trước mặt và sau lưng, bằng cách đánh chính quy và đánh du kích, đánh đối phương trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng, đô thị; đồng thời, kết
hợp nhiều cách đánh khác nhau: Đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; tiêu hao, tiêu
diệt đối
phương gắn liền với việc làm tan rã hàng ngũ đối phương, đập tan ý chí xâm lược của đối phương; qua đó, hoạt động quân sự không còn là việc riêng của quân đội, mà được nhân
dân cả nước thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Đấu tranh vũ trang cũng không còn là lĩnh vực dành riêng cho quân đội, mà
được toàn dân tự giác cùng chiến đấu, hỗ trợ đắc lực cho quân đội chiến đấu và
chiến thắng.
Quán triệt yêu cầu chỉ
đạo nói trên, nghệ thuật quân sự Việt Nam trước hết phải xác định đúng đắn nhiệm vụ của lực lượng vũ trang và của đấu
tranh vũ trang trong cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đi đôi với việc tiêu
diệt lực lượng quân sự của đối phương, các lực lượng vũ trang
phải luôn luôn chú ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển cơ
sở chính trị, đẩy mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, đẩy mạnh công tác
binh vận, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền và làm chủ.
Mặt khác, phải ra sức tận dụng thắng lợi của đấu tranh chính trị, của công tác
binh vận… để tiến công quân sự, tiêu diệt đối phương. Hồ Chí Minh khẳng định: “Không dùng toàn lực
của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”[1]. Trong chiến tranh cách
mạng, muốn phát huy đến mức cao độ nhất sức mạnh của toàn dân, của cả nước đánh
bại chiến tranh tổng lực của đối phương, nhất định phải đánh đối phương trên mọi mặt trận: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - tư tưởng và
ngoại giao. Mỗi mặt trận đều có vị trí quan trọng của nó. Có nghĩa là phải tiến
hành một cuộc chiến tranh toàn diện, tiến công toàn diện vào nền tảng thống trị
của bọn đế quốc và tay sai bằng bạo lực cách mạng của quần chúng. Trong chiến
tranh cách mạng Việt Nam,chiến tranh toàn dân luôn luôn đi đôi với toàn diện.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam là nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc và đánh giặc toàn diện. Đó là nghệ
thuật chỉ đạo hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, đồng thời chỉ đạo hoạt
động quân sự của nhân dân cầm vũ khí đánh giặc. Cho nên nghệ thuật quân sự Việt Nam không những chỉ đạo hoạt động quân sự của lực lượng vũ trang, mà còn phải
chỉ đạo hoạt động quân sự của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đánh giặc
với mọi thứ vũ khí có trong tay trong cuộc chiến tranh toàn diện.
Nghệ thuật quân sự hiện
đại Việt Nam là nghệ thuật vận dụng chiến lược đánh lâu dài, trên cơ sở ra sức
sáng tạo thời cơ, tranh thủ thời gian, giành thắng lợi ngày càng to lớn
Trong điều kiện đối phương mạnh hơn về lực lượng vũ trang tập trung, về trang bị vũ khí, nên chúng
thường muốn đánh nhanh, thắng nhanh, lợi dụng tối đa ưu thế đó. Vì thế, phải
đánh lâu dài để chuyển yếu thành mạnh, phân tán lực lượng tập trung của đối phương mà tiêu hao, tiêu diệt đối phương, làm cho đối phương mạnh trở thành yếu, phá tan âm mưu đánh chớp nhoáng của đối phương. Quá trình đánh lâu dài, nhìn chung là quá trình liên tục tiến công đối phương, đánh bại từng bước, đánh đổ từng bộ phận, đánh bại từng âm mưu chiến lược
của chúng, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại đối phương. Đặc biệt, phải có sự cố gắng chủ quan hết sức tích cực mới đánh được lâu
dài, cuối cùng mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững phương châm chiến
lược đánh lâu dài có nghĩa là phải thực sự quán triệt vào mọi công tác tổ chức
và tư tưởng của cuộc kháng chiến. Phải ra sức tranh thủ nhân dân, đánh bại mọi
âm mưu giành dân, lấn đất của đối phương; vừa tiến công, vừa
tiêu diệt lực lượng đối
phương, vừa xây dựng và phát triển lực lượng mọi mặt, ra sức củng cố hậu phương, căn cứ địa, thực
hiện càng đánh, càng mạnh.
Đánh lâu dài không có
nghĩa là đánh mãi, đánh không có mốc chiến đấu, mà phải kết hợp lực, thế, thời
cơ, thời gian để giành chiến thắng. Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng quân sự của nền
quân sự Việt Nam, khi nói về thế và lực đã giải thích: “Quả cân chỉ một
kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh nhấc bổng
được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”[2]. Ngoài ra, vấn đề thời cơ cũng là một vấn đề mang tính quyết định, phải có
quyết tâm tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi. Để phát huy hiệu quả của lực,
thế, thời, cần phải có mưu kế đánh đối phương. Những vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau.
Thế, lực vận động thì tạo ra thời; biết dùng mưu thì hạn chế được cái mạnh của đối phương, phát huy được cái mạnh, tạo điều kiện chuyển biến về chất ở thời điểm
quyết định để giành thắng lợi.
Ngoài ra, tạo lực, lập
thế, tranh thời, dùng mưu còn luôn phải gắn với các yếu tố “thiên thời, địa
lợi, nhân hoà”, bởi đây là những nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến
tranh, trong đó nhân hoà là quan trọng, bởi “trong hai phe chiến, phe nào có
đầy đủ điều kiện nhân hoà là phe ấy thắng”[3] và vì một lẽ đơn giản: Có nhân hoà mới có lực lượng, mới tạo được thế
trận, mới tạo ra thời cơ và tranh thủ được thời cơ. Một khi “lòng yêu nước của
đồng bào nhập với hình thế hiểm trở của núi sông, thành một lực lượng vô địch”[4], thì nó sẽ đánh tan mọi cuộc tấn công của quân thù.
Như vậy, trong lúc đánh
lâu dài, luôn luôn tích cực, khẩn trương tìm đối phương mà đánh, mà tiêu diệt chúng một cách nhanh chóng, không ngừng tranh thủ
thời cơ và thời gian để phát triển thế chiến lược tiến công, ngày càng thu được
nhiều thắng lợi to lớn hơn, dẫn đến thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh
thần thánh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc.
Nghệ thuật quân sự hiện
đại Việt Nam là nghệ thuật vận dụng chiến lược dựa vào sức mình là chính, đồng
thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để
giành chiến thắng
Suốt mấy chục năm qua,
các cuộc chiến tranh cách mạng Đảng CSVN lãnh đạo
đã chủ yếu dựa và sức mạnh của con người Việt Nam, của đất nước Việt Nam, của
truyền thống dân tộc, của chế độ xã hội tiên tiến đang được xây dựng và phát
triển. Đồng thời,
không quên tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to
lớn của cách mạng thế giới, mà chỗ dựa vững chắc là phe xã hội chủ nghĩa.
Đó là một quy luật giành
thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay, đồng thời là nghệ thuật chỉ đạo quân sự đúng đắn,
đánh dấu một bước phát triển mới trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Dựa vào sức mình là
chính, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ quốc tế to lớn không chỉ là một yêu
cầu khách quan của thời đại, mà còn là nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh cách
mạng của Đảng
CSVN. Nó chứng tỏ Đảng CSVN đã quán triệt sâu sắc quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp
của quần chúng, có lòng tin tưởng vững chắc vào nhân dân, vào sức mạnh dân tộc,
đồng thời, cũng quán triệt sâu sắc quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ
phận khăng khít của cách mạng thế giới. Từ đó, Đảng CSVN luôn biết phát huy nhân tố thuận lợi của thời đại để giành
thắng lợi cho chiến tranh cách mạng. Ở đây cũng cần nắm vững mối quan hệ giữa
việc phát huy tinh thần dựa vào sức mình là chính với việc ra sức tranh thủ sự
giúp đỡ của quốc tế. Việt Nam chỉ có thể tranh thủ
được sự giúp đỡ ngày càng to lớn, hiệu quả của quốc tế, nếu như biết phát huy
được sức mạnh đoàn kết chiến đấu ngày càng khăng khít và mạnh mẽ của dân tộc.
Điều đó có nghĩa là tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để tăng cường khả năng dựa
vào sức mình là chính, chứ quyết không được nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Trong khi tranh thủ tối đa sự giúp đỡ quốc tế, cũng không quên làm tròn nghĩa
vụ quốc tế của mình, bởi “giúp bạn là tự giúp mình”.
Những luận giải trên đây
nói lên mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa vấn đề dựa vào sức mình
là chính với ra sức tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế với việc làm tròn
nghĩa vụ quốc tế. Trong tổng thể ấy, một sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp giữa
nội lực và ngoại lực được tạo ra, được nhanh chóng phát huy để giành chiến
thắng.
Nghệ thuật quân sự hiện
đại Việt Nam là nghệ thuật quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công đi đôi với
giành thế chủ động trong chiến tranh
Cách mạng là tiến công, chiến
tranh là tiến công, “chỉ có tiến chứ không có thoái”[5]. Chỉ có tiến công kiên quyết và liên tục mới phát huy được sức mạnh tổng
hợp của chiến tranh nhân dân. Có tiến công mới giành được thế chủ động, và
ngược lại, có nắm được quyền chủ động, mới đảm bảo phát triển không ngừng thế
tiến công. Giữ được thế chủ động thì thế nào cũng thắng, không thắng to, thì
thắng nhỏ. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng nếu không tiến thì tức là thoái và nếu
thoái thì những thắng lợi đã đạt được sẽ không thể củng cố và phát triển. Vì
thế, kháng chiến của nhân
dân Việt Nam phải “kiên quyết không ngừng thế tấn công”[6]. Trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, Trường Chinh nhấn
mạnh: “Tiến công là một cách duy nhất hiệu nghiệm để tiêu diệt đối phương. Đánh giặc mà không tiến công thì không phải là đánh giặc”[7] và “tiến công là một cái thuật. Muốn tiến công được thắng lợi, phải biết
người, biết mình, xét không gian và thời gian; tập trung đầy đủ và nhanh chóng,
đánh tích cực, linh hoạt và mau lẹ”[8].
Đánh giá đúng đắn, sáng suốt
về đặc điểm, xu thế phát triển của lực lượng so sánh giữa Việt Nam và đối phương trên chiến trường trong thời đại ngày nay, Đảng CSVN, Hồ Chí Minh chỉ rõ quy luật giành thắng lợi của cách mạng là một quá
trình tiến công đối
phương rất chủ động, tích cực, kiên quyết, liên tục, chỉ có
tiến không có thoái, thoái chỉ là bộ phận và tạm thời để tiếp tục tiến lên.
Phải tiến công đối
phương bằng mọi lực lượng, mọi hình thức, mọi quy mô, đánh lùi đối phương từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong khi nắm vững tư tưởng chiến
lược tiến công, quyết không được phiêu liêu, mạo hiểm, mà phải biết cách tiến
công. Biết cách tiến công là tiến công bằng mọi lực lượng, bằng mọi thứ vũ khí
có trong tay, ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là phải biết tiến công vào những nơi
hiểm yếu và hiểm yếu nhất của quân thù. Phải biết tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu.
Những nơi hiểm yếu của đối
phương thường là những nơi lực lượng yếu và mỏng, có nhiều sơ
hở, hoặc là những nơi đối
phương không phát huy được sở trường, còn Việt Nam lại phát huy được ưu thế của mình. Đánh trúng những chỗ yếu, những chỗ
hiểm của đối
phương, thì lực nhỏ cũng có thể tạo nên hiệu quả lớn.
Đảng CSVN còn chỉ ra rằng, muốn tiến công giành được thắng lợi, không
những phải có nghệ thuật tiến công kiên quyết, sáng tạo, mà còn phải biết tự
vệ, biết giữ gìn và tích luỹ lực lượng, phải biết tiến công để phòng ngự, lấy
kiên quyết tiến công đối phương làm cách tự vệ tốt
nhất. Quán triệt tư tưởng tiến công đối phương, đồng thời ra sức giữ gìn, bồi dưỡng phát triển lực
lượng, tránh và giảm đến mức thấp nhất những tổn thất không đáng xảy ra, không
chấp nhận những trận chiến đấu bất lợi, mà tận dụng khả năng, tạo điều kiện để
đánh những trận chắc thắng. Cần ghi nhớ rằng, chiến
lược tiến công không loại trừ phòng ngự khi cần thiết. Về mối quan hệ giữa tiến
công và phòng ngự, tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi chỉ ra rằng:
Giữ chỗ nào thì “phối hợp chiến thuật du kích, vận động mà tiến công, bao
vây đối
phương, chặt đứt đường giao thông tiếp tế của địch, đánh bên
sườn hay sau lưng địch, khiến địch phải rút lui, hoặc đem quân đánh vào chỗ tất
yếu, khiến địch phải sẻ một phần lực lượng đang tiến công ta, đem ứng cứu chỗ
đó, làm cho thế phòng ngự của ta chỗ này mạnh thêm”[9]. Như vậy, bao giờ cũng phải giữ thế tiến công, song trong những điều kiện
cụ thể, nhất định phải phòng ngự, thì phòng ngự cũng phải quán triệt tư tưởng
tiến công, “chứ không phải rút vào một chỗ để cho quân thù tha hồ đánh phá”[10]. Điều đó có nghĩa là muốn giữ, muốn phòng ngự, thì phải tìm cách tiến công
quân thù một cách có hiệu quả hơn, tiến công vào nơi hiểm yếu của đối phương, vào lúc chúng chủ quan, sơ hở. Đây cũng
là một quy luật cơ bản của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng Việt
Nam.
Trong quá trình 30 năm
chỉ đạo thực hiện chiến tranh cách mạng bảo vệ và giải phóng Tổ quốc
(1945-1975), nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được hình thành phát triển và bổ
sung, thể hiện rất rõ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trong kháng chiến
chống Pháp, nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam đã được thể hiện rõ nét.
Ngày 19-12-1946, hưởng
ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, tiếng súng toàn
quốc kháng chiến đã bùng nổ. Từ đây, cả dân tộc đi vào cuộc trường chinh suốt
chín năm không nghỉ.
Nhìn chung, cuộc kháng
chiến chín năm của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn chiến lược và mỗi giai đoạn là một bước tiến mới,
là một nấc thang đi lên của con đường chiến thắng.
Từ Nam Bộ kháng chiến
đến chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 là giai đoạn thứ nhất của cuộc kháng
chiến. Ở giai đoạn này, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã ra sức
giữ gìn và củng cố lực lượng, kết hợp kháng chiến ở miền Nam với xây dựng và
bảo vệ chế độ mới trên cả nước, tiến lên phát động toàn quốc kháng chiến, đánh
thắng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Giai đoạn thứ hai được
bắt đầu từ sau chiến thắng Việt Bắc đến chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950.
Đây là giai đoạn đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển
chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến, làm thất bại một bước
âm mưu kéo dài, mở rộng chiến tranh và âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt,
lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp. Đặc biệt, trong giai đoạn
này, với sự kiện Cách mạng Trung Quốc thành công (năm 1949) đã cổ vũ lớn lao đối
với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Và kể từ năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức thiết thực từ các nước xã hội chủ
nghĩa, đặc biệt là từ Liên Xô và Trung Quốc. Cũng từ năm 1950, đế quốc Mỹ ngày
càng rót nhiều viện trợ về trang bị, vũ khí vào chiến trường Đông Dương cho
Pháp, can thiệp ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến. Những chuyển biến này đã tác
động không nhỏ tới cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.
Giai đoạn thứ ba là từ
chiến dịch Biên giới đến kháng chiến thắng lợi (1954). Đây là giai đoạn phát
triển tiến công và phản công, giữ vững và phát huy quyền chủ động trên chiến
trường chính Bắc Bộ, với sự phối hợp chung của các chiến trường trong toàn quốc
cùng chiến trường Lào và Campuchia, tiến lên mở cuộc tiến công chiến lược Đông
Xuân 1953-1954 với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Với chiến thắng
Điện Biên Phủ, Việt
Nam đã làm thất bại nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân
Pháp và can thiệp Mỹ, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng tại Hội
nghị Giơ-ne-vơ và ký Hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương ngày
21-7-1954.
Trong kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược, Đảng CSVN đã đánh giá đúng
những tình thế cách mạng và lực lượng so sánh giữa hai bên trong các bước ngoặt của chiến tranh theo quan điểm của chiến tranh cách
mạng. Phía
Việt Nam, sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Việt Nam đã kịp thời mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại đó và 15 tháng sau đã phát động toàn quốc kháng chiến đúng thời cơ, ở thời
điểm kẻ địch đã cố tình gây chiến, khi nhân dân Việt Nam “không thể nhịn thêm được nữa” và khi Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ cả về quyết tâm, thực lực ở bước khởi đầu.
Trong quá trình chỉ đạo chiến tranh, nhằm đánh thắng về quân sự một đối phương lớn mạnh, nghệ thuật chỉ đạo phát triển thế tiến công của
chiến tranh cách mạng là đánh thắng từng kế hoạch chiến lược của kẻ thù, tạo
những bước nhảy của cách mạng và chiến tranh. Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông
1947, chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với
đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là những mốc lịch sử vẻ vang, những đòn
phản công và tiến công tạo chuyển biến chiến lược.
Trong kháng chiến chống
thực dân Pháp, đối tượng tác chiến của chiến tranh nhân dân, của cuộc đấu tranh
quân sự mà
Việt Nam phải tiến hành là quân đội viễn chinh xâm lược nhà
nghề thực dân Pháp, trong đó bao gồm cả quân đội của chính quốc và một bộ phận
khá lớn những đội quân lê dương hung ác, được coi là thiện chiến. Trang bị vũ
khí của đối phương so với phía Việt Nam vào loại
dồi dào, hiện đại hơn hẳn. Hơn nữa, kể từ năm 1950, khi đế quốc Mỹ can thiệp
ngày càng sâu hơn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ào ạt rót vũ khí và “viện
trợ” cả về chính trị cho Pháp, thì tình hình so sánh lực lượng lại thêm phần
khó khăn hơn đối với Việt Nam. Song, qua đấu trí, đấu lực trực tiếp với tất cả các chiến lược, chiến
thuật, nghệ thuật quân sự của chúng, Đảng CSVN đã nhận
định một
cách biện chứng về sự thay đổi trong tương quan so sánh lực
lượng giữa hai
bên trong quá trình kháng chiến; từ đó, Đảng CSVN đã có những đối sách đối phó trở lại đầy hiệu quả và ngày
càng làm chủ tình thế cách mạng. Trong quá trình đấu tranh đó, nghệ thuật quân
sự chiến tranh nhân dân Việt Nam của Đảng CSVN đã
liên tục được phát triển, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn chỉnh.
Đánh giá đúng tình thế cách mạng và lực lượng so sánh chung giữa cách mạng và
phản cách mạng và tận dụng những thời cơ mới xuất hiện là một nét nổi bật trong
đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng CSVN trong
kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là một nội dung quan trọng trong phương
thức tiến hành chiến tranh cách mạng theo đường lối của Đảng CSVN. Nó nhấn mạnh rằng: Trong chỉ đạo chiến lược, điều khiển chiến tranh, phải
căn cứ vào quá trình phát triển của so sánh lực lượng giữa hai bên và tình thế cách mạng trong từng thời kỳ.
Nghệ thuật quân sự toàn
dân đánh giặc của Đảng CSVN trong chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược là
nghệ thuật kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh
du kích; kết hợp thế, lực và thời cơ, đánh đối phương bằng mưu trí, đánh bất ngờ; đánh đối phương bằng mọi
lực lượng, mọi thứ vũ khí, với nhiều cách khác nhau, hạn chế đối phương đánh theo sở trường của chúng,....
Chiến tranh du kích là
một hình thức chiến tranh cơ bản của dân tộc nhỏ chống lại ách thống trị thực
dân và đánh bại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, là một phương thức
khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, bảo vệ chính quyền ở cơ sở, giành và giữ
quyền làm chủ ở cơ sở trong chiến tranh giải phóng. Chiến tranh du kích không
chỉ là một vấn đề chiến lược quân sự, mà còn là một vấn đề chiến lược cách
mạng. Đánh du kích là hình thức tác chiến cơ bản của chiến tranh du kích, giữ
một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài. Với cách
đánh du kích vận động chiến, lực lượng vũ trang Việt Nam hoạt động hết sức linh hoạt và cơ động. Trong khi đó, đối
phương phần thì không thông thạo địa bàn, phần nữa là do những
thứ vũ khí hiện đại được trang bị chỉ thích hợp với kiểu chiến tranh quy ước, không thích hợp với một cuộc chiến tranh đòi
hỏi phải có sự cơ động linh hoạt.
Trong chỉ đạo kháng
chiến, Đảng CSVN đã khẳng định du kích vận động chiến là cách đánh của toàn
dân, không phải của riêng bộ đội, đồng thời, phải tiến công đối phương cả ở nội tuyến lẫn ngoại tuyến. Đó là cách đánh của quần
chúng nhân dân, du kích, dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và những bộ phận chủ
lực hoạt động phân tán, dựa vào tinh thần anh dũng mưu trí cao mà chiến thắng đối phương có vũ khí hiện đại, dùng hành động bất
ngờ, linh hoạt “lai vô ảnh, khứ vô tung”, đánh nhanh, chuyển nhanh, khi phân
tán, lúc tập trung, đánh đối
phương khắp nơi và mọi lúc, tận dụng mọi thứ vũ khí, đánh bằng mọi
hình thức, làm hao mòn quân, làm đối phương sa sút về tinh thần. Do đó, với cách đánh này, không những đã phát huy
được sở trường, thế mạnh của mình, mà còn hạn chế được cách đánh sở trường của đối phương, không cho đối
phương đánh theo cách mà chúng muốn.
Lãnh đạo kháng chiến
chống thực dân Pháp, Đảng CSVN đã khẳng định du kích
vận động chiến là cách đánh phù hợp với cuộc chiến tranh của nhân dân. Nó là
cách đánh phát huy được yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hoà của chiến tranh
nhân dân diễn ra trên đất nước mình, phát huy được thế chủ động tiến công, đẩy đối
phương vào tình thế bị động, lúng túng và lo sợ.
Lý luận và thực tiễn lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng CSVN cũng chỉ ra rằng: Không thể giành thắng lợi quyết định, không thể đạt được
mục đích chính trị của chiến tranh chỉ bằng chiến tranh du kích, chiến tranh
nhân dân địa phương. Để chiến tranh nhanh chóng đi tới thắng lợi, không thể
thiếu đi vai trò và tác dụng chiến lược mấu chốt của chiến tranh chính quy bằng
các binh đoàn chủ lực. Sức mạnh của chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn
chủ lực luôn kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương
và dân quân du kích, với phong trào đấu tranh cách mạng, đấu tranh chính trị và
nổi dậy của quần chúng cả ở thành thị và nông thôn. Chiến tranh du kích rộng
lớn chính là cái nền, là chỗ dựa vững chắc của chiến tranh chính quy. Tuy
nhiên, cần phải khẳng định rằng, chiến tranh chính quy mới là yếu tố quyết định
nhất trong chiến tranh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, việc tiến hành
các chiến dịch trên quy mô khác nhau từ nhỏ đến lớn và các loại hình chiến
thuật cho đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện
Biên Phủ mới là nhân tố quyết định làm thay
đổi cục diện chiến tranh, quyết định sự kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Khoa học và nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc và đánh giặc toàn diện
của Đảng
CSVN trong kháng chiến chống thực dân Pháp còn thể hiện ở việc quán triệt tư
tưởng tiến công, đánh đối
phương trên thế mạnh, hãm đối phương vào thế phòng ngự bị động, đối phó. Khi quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, mở đầu
cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đảng CSVN đã chủ trương phát huy các chiến thuật du kích ngăn cản, làm
chậm bước tiến công của đối phương, đồng thời chọn mục
tiêu thích hợp, chủ động tiến công tiêu hao đối phương, trong khi “tránh những trận bất lợi”[11], nhân
dân Việt Nam “tích cực tiến công từng bộ phận để tiêu diện bộ phận
địch”[12]. Sau chiến thắng Việt Bắc 1947, Việt Nam chủ trương “bắt địch chuyển sang thế thủ”[13]. Thế tiến công chủ động và rộng khắp của chiến tranh du kích từ năm 1948
đã mở ra thế tiến công chiến lược ngày càng phát triển trên khắp chiến trường
Đông Dương. Thế tiến công quy mô ngày càng lớn bằng cả chiến tranh du kích và
chính quy không ngừng phát triển. Các chiến dịch lớn được mở: Biên giới, Hoà
bình, Tây Bắc, Thượng Lào… và cuối cùng là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân
1953-1954 với chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Ngày 19-4-1954,
Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ rõ: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem
toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết
để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[14]. Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt được toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ,
góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm của dân tộc.
Như vậy, nắm vững quyền
chủ động chiến lược, nhân
dân Việt Nam đã tạo ra sức mạnh tiến công áp đảo và đánh bại đối phương. Đó chính là một thành công nổi bật về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nói
chung, cũng như chỉ đạo chiến lược quân sự của Đảng CSVN. Đó là nghệ thuật vận dụng tư tưởng chiến lược tiến công, giành và phát
huy quyền chủ động chiến lược.
Nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống
Pháp còn được thể hiện ở việc quán triệt tư tưởng tích cực tiêu diệt cả sinh
lực và phương tiện chiến tranh, cả lực lượng quân sự và lực lượng chính trị của
chúng; tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, bí mật,
đánh đối
phương bất ngờ, nắm thời cơ, chọn đúng những hình thức, phương
pháp tác chiến, tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp, nâng cao hiệu lực chiến
đấu của mọi lực lượng, mọi thứ quân, lấy chất lượng làm chính.
Nói chung, trong kháng
chiến chống Pháp, chiến lược của Việt Nam là lấy ít thắng nhiều và chiến thuật là lấy nhiều thắng ít, về chiến dịch
và chiến đấu, khi cần thiết thì tập trung lực lượng nhiều hơn đối phương để tiêu diệt chúng, tích cực tiến công, giải quyết mau trong từng trận.
Trong kháng chiến, Đảng CSVN và nhân dân Việt Nam đã giải quyết thành công, đồng thời sáng tạo nên nhiều loại hình chiến dịch
và chiến thuật. Việc giải quyết thành công các vấn đề chiến lược, nghệ thuật
chiến dịch và chiến thuật chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống thực dân
Pháp đã làm thành cơ sở nền tảng của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân
Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật quân sự chiến
tranh nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) là sự kế thừa
và phát huy lên một trình độ mới về chất nghệ thuật quân sự truyền thống của
dân tộc trong thời đại mới. Đó là một nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định
thắng lợi của nhân dân Việt
Nam trong kháng chiến. Những bài học lý luận quý báu của
nghệ thuật quân sự trong thời kỳ này được Đảng CSVN tiếp
tục phát triển và hoàn thiện trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc,
trở thành một đóng góp to lớn cho kho tàng lý luận quân sự Việt Nam và thế giới.
Nghệ thuật quân
sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nghệ thuật chỉ đạo các hoạt
động đấu tranh vũ trang của cuộc chiến tranh nhân dân trên cả hai miền Nam,
Bắc.
Trong
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ kinh nghiệm của kháng chiến chống thực dân
Pháp, Đảng CSVN đã sớm xác định đúng kẻ thù ngay khi giai
đoạn mới của cách mạng Việt Nam vừa bắt đầu (7-1954). Kể từ đây (1954), kẻ thù nguy hiểm
của cách mạng Việt Nam không phải là tên thực dân già cỗi và đang suy yếu như
đế quốc Pháp nữa, mà là đế quốc Mỹ - tên sen đầm quốc tế, tên đế quốc đầu sỏ có
tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh bậc nhất thế giới. Chúng nhảy vào miền Nam
với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân
sự của chúng.
Với kinh nghiệm từ kháng
chiến chống thực dân Pháp, Đảng CSVN đã thấy
được sức mạnh của đế quốc Mỹ, từ đó có quan điểm đánh giá, so sánh lực lượng
giữa hai
bên đúng đắn, rất cách mạng và khoa học. Đảng CSVN không chỉ thấy rõ chỗ mạnh của đối phương, mà còn thấy cả những điểm yếu của chúng; không chỉ thấy hiện trạng, mà
quan trọng hơn còn thấy xu thế phát triển của lực lượng cả hai bên. Tuy phía Việt Nam ít hơn đối
phương về quân số, về trang bị vũ khí, nhưng lại có sức mạnh
tổng hợp của chiến tranh nhân dân; do đó, thắng lợi nhất định sẽ thuộc về nhân dân Việt Nam.
Những kinh
nghiệm của kháng chiến chống thực dân Pháp là “cái vốn” cực kỳ quan trọng để
Đảng
CSVN, nhân dân Việt Nam bước vào kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược không
phải tìm tòi, làm thử, mà có thể thực hiện ngay được và ngày càng phát triển
sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn mới. Kế thừa, phát huy truyền thống
đánh giặc của cha ông, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm trong thời kỳ
kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay
sai, Đảng CSVN đã chủ động, sáng tạo đề ra đường lối
chiến tranh cách mạng đúng đắn. Sự hình thành và
phát triển của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân chống Mỹ cũng đi từ
thấp đến cao và dần dần hoàn chỉnh. Đường lối đó có
nhiều nét độc đáo, là bước phát triển đường lối chiến tranh nhân dân trong thời
kỳ kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp lên một tầm cao mới. Đó là tiến
hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là
chính một cách chủ động, linh hoạt, đánh đối phương bằng ba mũi giáp công, đánh đối phương trên ba vùng chiến lược, từng bước đánh cho Mỹ cút, đánh
cho nguỵ nhào... Đỉnh cao là sự kết hợp đấu tranh chính trị - quân sự - ngoại
giao. Đây là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện với
mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến
tới thống nhất nước nhà. Lực lượng tiến hành chiến tranh là toàn dân đánh giặc,
bao gồm lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt và lực lượng chính
trị của quần chúng. Lực lượng chính trị của quần chúng là cơ sở để xây dựng,
phát triển lực lượng vũ trang, đồng thời là chỗ dựa vững chắc để lực lượng vũ
trang hoạt động tác chiến hiệu quả và phối hợp với lực lượng vũ trang tiến
công, phản công đối
phương. Lực lượng chính trị trong kháng chiến chống Mỹ ở miền
Nam được tổ chức thành những đội quân chính trị. Phương thức tiến hành chiến
tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ có phạm vi tương đối rộng lớn, không
chỉ bó hẹp trong hoạt động đấu tranh vũ trang. Một cách tổng quát, phương thức
tiến hành chiến tranh nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là cả nước được tổ
chức thành một mặt trận rộng lớn, mỗi người dân yêu nước là một chiến sĩ, mỗi
làng xã, đường phố là một pháo đài, mỗi chi bộ Đảng là một bộ phận tham mưu,
phát huy sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ
trang trên ba vùng chiến lược với ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh
vận), kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao, kết hợp
tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp tiêu diệt đối phương với giành và giữ quyền làm chủ, chiến tranh du kích với chiến tranh chính
quy, kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với các binh đoàn chủ lực.
Nghệ thuật chỉ đạo chiến
tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tiến hành dựa trên cơ sở
của đường lối, phương châm và chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân
chống Mỹ, cứu nước, mục đích là tạo ra sức mạnh tổng hợp, hiện thực để đánh
thắng chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Đó là sự phát triển
phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trên hai miền
Nam, Bắc, phù hợp với hai chiến lược cách mạng (cách mạng dân tộc dân chủ nhân
dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc) được tiến hành đồng
thời ở cả hai miền và gắn bó chặt chẽ với nhau, gắn bó chặt chẽ với quá trình
cách mạng và chiến tranh cách mạng của ba nước Đông Dương, trong xu thế phát
triển mạnh mẽ của các trào lưu cách mạng thời đại. Đó còn là nghệ thuật kết hợp
tiến công đối
phương ở miền Nam với bảo vệ miền Bắc, đánh thắng chiến tranh
phá hoại của Không quân, Hải quân Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc và tăng
cường chi viện sức mạnh mọi mặt cho miền Nam, phối hợp chặt chẽ giữa các chiến
trường Việt Nam với chiến trường hai nước bạn Lào, Campuchia, tạo ra thế chiến
lược tiến công của ba nước Đông Dương.
Cả nước đánh giặc, nhiệm
vụ của hai miền Nam, Bắc gắn bó chặt chẽ, quyện chặt vào nhau để thúc đẩy nhau
cùng phát triển và đi tới thắng lợi; hai hình thức chiến tranh du kích và chính
quy luôn luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau và tạo ra sức mạnh.
Trong kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, Đảng luôn luôn quán triệt chiến lược tiến công. Đó là chiến lược
toàn dân đánh giặc, dựa vào sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng quân sự và
chính trị, kết hợp giữa tác chiến của lực lượng vũ trang với khởi nghĩa của
quần chúng cách mạng. Đây cũng là chiến lược tiến công đối phương bằng ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích)
trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị), kết hợp
giữa tiến
công với giành quyền làm chủ, làm chủ để tiêu diệt đối phương và tiêu diệt đối
phương để làm chủ ngày càng vững chắc hơn. Đó còn là chiến lược
luôn giành thế chủ động và quyền chủ động tiến công đối phương về mặt quân sự, tiến công một cách tích cực, kiên quyết và liên tục ở mọi
nơi, mọi lúc, buộc đối
phương phải đánh theo cách đánh của Việt Nam, hạn chế tối đa sở trường của đối phương.
Ở miền Nam Việt Nam, trong quá trình đấu tranh chống ách thống trị của thực dân kiểu mới của
đế quốc Mỹ, cách mạng miền Nam đã chuyển sang thế tiến công chiến lược bằng
phong trào “đồng khởi” những năm 1959-1960. Sau đó, cách mạng miền Nam đã không
ngừng phát triển thế tiến công, mở rộng khởi nghĩa từng phần và đấu tranh chính
trị của quần chúng, mở rộng chiến tranh du kích và từ tác chiến du kích tiến
lên tác chiến tập trung, vận dụng phương châm quân sự và chính trị song song,
liên tiếp đánh bại các loại hình chiến tranh của đối phương. Mặc dù đế quốc Mỹ không ngừng tăng cường đổ binh lính và vũ khí vào chiến
trường miền Nam, song Việt
Nam đã kiên quyết giữ vững thế chủ động và liên tục tiến
công đối
phương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến bằng chiến dịch
lịch sử mùa Xuân 1975.
Nói một cách
chung nhất, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước là
nghệ thuật tiến công kiên quyết, tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, kết
hợp chặt chẽ ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao với hình thức
phong phú, đa dạng và hiệu lực chiến lược ngày càng cao. Đó là nghệ thuật kết
hợp chiến đấu với xây dựng, phát triển lực lượng, kết hợp chiến đấu với sản
xuất và không ngừng ổn định đời sống nhân dân trong chiến tranh, không ngừng
tăng cường thực lực của cuộc kháng chiến, càng đánh, càng mạnh. Chiến tranh
nhân dân kết hợp với chiến tranh hiện đại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
là đỉnh cao của chiến tranh cách mạng Việt Nam,
chiến tranh nhân dân Việt Nam, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 298.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 12, tr. 455.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 4, tr. 463.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 5, tr. 366.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 5, tr. 314.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 3, tr. 287.
[7]Trường Chinh ,
Kháng chiến nhất định thắng lợi, Nxb Sự thật, 1947, tr. 122.
[8]Trường Chinh,
Kháng chiến nhất định thắng lợi, Sđd, tr. 124.
[9] Trường Chinh,
Kháng chiến nhất định thắng lợi, Sđd, tr. 120.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 3, tr. 491.
[11] Văn kiện quân sự
của Đảng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tập 2, tr.125.
[12] Văn kiện quân sự
của Đảng, Sđd, tập 2, tr. 125.
[13] Văn kiện quân sự
của Đảng, Sđd, tập 2, tr. 125.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn
tập, Sđd, tập 1, tr. 87.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!