PGS,TS. Hồ Khang
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cách mạng ở nước
nào trước hết cũng phải do quần chúng nhân dân ở nước đó tự làm lấy. Ăng-ghen
cho rằng: "Việc giải phóng người lao động là việc của bản thân người lao
động". Nhấn mạnh việc dựa vào sức mình là chính để làm cách mạng là sự
nhận thức mối quan hệ biện chứng giữa nhân tố bên trong và nhân tố bên ngoài
của sự vật, thấy rõ nhân tố bên trong là nhân tố quyết định sự phát triển của
sự vật, nhân tố bên ngoài phải thông qua nhân tố bên trong để phát huy tác
dụng.
Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng thắng lợi của khởi nghĩa vũ trang
và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam trước hết và chủ yếu là dựa vào đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa vào sự nỗ lực chủ quan của quân và dân Việt Nam
trên chiến trường, dựa vào những khả năng về chính trị, tinh thần và vật chất
của dân tộc Việt Nam, dựa vào nhân hoà, địa lợi, thiên thời của cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc hoặc bảo vệ Tổ quốc diễn ra trên đất Việt Nam. Đây
cũng là quy luật giành thắng lợi của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt
Nam trong thời đại ngày nay. Quy luật đó đánh dấu một bước phát triển mới trong
nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam so với các thời kỳ
lịch sử trước đây. Nó thể hiện quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của quần
chúng, thể hiện lòng tin của Đảng Cộng sản Việt Nam vào sức mạnh của nhân dân
và dân tộc. Nó còn thể hiện quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của
cách mạng thế giới, luôn gắn chặt cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng
của nhân dân thế giới, phát huy những thuận lợi của thời đại để giành thắng lợi
cho chiến tranh cách mạng ở Việt Nam, đồng thời, góp phần đóng góp tích cực của
dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc khác trên thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cho rằng, quyết định thắng
lợi của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam chủ yếu là do những nguyên nhân bên
trong, là đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự nỗ lực chủ quan
của quân và dân Việt Nam trên chiến trường, là những khả năng về chính trị,
tinh thần, vật chất của dân tộc Việt Nam là nhân hoà, địa lợi, thiên thời. Vì
thế, với ý thức trách nhiệm chính trị trước vận mệnh của dân tộc, kế thừa kinh
nghiệm quân sự của cha ông, kinh nghiệm quân sự tiên tiến
trên thế giới vào điều kiện Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối
cách mạng và đường lối tiến hành chiến tranh cách mạng dựa vào sức mình là
chính; phát động, tổ chức, khai thác mọi lực lượng của nhân dân, của đất nước
để giành thắng lợi. Nhân dân Việt Nam hiểu rằng, phải tự mình đứng lên kháng chiến, giành
độc lập tự do cho Tổ quốc, không thể nhờ ai làm thay. Thắng lợi vĩ đại của các
cuộc chiến tranh chiến tranh cách mạng trước hết và chủ yếu là do sự hy sinh,
phấn đấu cực kỳ anh dũng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Trong các cuộc kháng chiến, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt
Nam là phải luôn luôn phát huy tư tưởng độc lập, tự chủ, phát huy nội lực chủ
quan, vì có độc lập tự chủ mới có sáng tạo và tranh thủ được ngày càng rộng rãi
sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Việc
giải phóng dân tộc luôn luôn là việc của bản thân ta”[1] và
“không nên ỷ lại vào ai hết. Tự do, hạnh phúc của dân ta phải tự dân ta vun
trồng lấy”[2]. Hồ
Chí Minh nêu quan điểm: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh, mà cứ ngồi chờ dân
tộc khác giúp đỡ thì cũng không xứng đáng được độc lập”[3];
trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “đem sức ta mà giải phóng cho
ta”. Kháng chiến trường kỳ gian khổ, đồng thời phải thực hiện tự lực cánh sinh,
phải dựa vào sức mình là chính, chủ động ứng phó với mọi biến đổi của tình
hình, “phải tự cấp, tự túc về mọi mặt”[4].
Dựa vào sức mình chính là dựa vào sức lực của toàn dân,
dựa vào các điều kiện nhân hoà, thiên thời, địa lợi của đất nước, đồng thời ra
sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế. Tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh
đoàn kết chiến đấu của dân tộc là cơ sở để tranh thủ và tận dụng được sự ủng
hộ, sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần của bạn bè trên thế giới, của các nước
anh em, của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý, tiến bộ, kể cả nhân dân Pháp
và Mỹ. Tuy nhiên, trong khi coi trọng và không ngừng tranh thủ sự ủng hộ, giúp
đỡ quốc tế, không được ỷ lại, dựa dẫm; không để ảnh hưởng đến độc lập, tự chủ
của đất nước. Đó cũng là phương châm chiến lược lớn của các cuộc chiến tranh
nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ,
tư tưởng tự lực cánh sinh vô cùng quan trọng. Đây là một chủ trương lớn chỉ đạo
chiến tranh cách mạng. Nó xuất phát từ lòng tin tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt
Nam vào năng lực của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam. Một khi dân tộc
Việt Nam được tổ chức, động viên và tập hợp theo những đường lối đúng đắn, thì
có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu và vượt qua những tình thế khó khăn, hiểm
nghèo nhất.
Để
có thể tự lực cánh sinh, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ
trương, một mặt, vừa chiến đấu, vừa giữ gìn lực lượng; cướp vũ khí của địch
trang bị cho mình, tiết kiệm đạn dược; vừa đánh vừa học hỏi kinh nghiệm chiến
đấu, trau dồi chiến lược, chiến thuật; tổ chức lực lượng dân quân, du kích rộng
rãi; mặt khác, phải ra sức chuẩn bị lực lượng cho đầy đủ. Theo quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề đó có tầm quan trọng to lớn và cần kíp, vì
lấy tự lực cánh sinh là chính, thì điều chính yếu là phải xây dựng sức mình để
có thể ứng phó được với mọi tình hình, dù tình hình ấy có thuận lợi hay gay go,
thì vẫn phải luôn giữ thế chủ động. Tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính
thể hiện quyết tâm, tính tích cực, chủ động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong
việc hoạch định đường lối kháng chiến, tổ chức kháng chiến.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, tự lực
cánh sinh cũng không hoàn toàn có nghĩa là chỉ dựa vào sức mạnh duy nhất của nhân
dân Việt Nam, mà để cho sức mạnh đó được phát huy tối đa, đồng thời còn phải
tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trong thời đại phong kiến trước đây, người Việt Nam tiến hành
chiến tranh chống ngoại xâm phải hoàn toàn dựa vào sức mình, không có ai ủng hộ
và giúp đỡ. Song, các cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
của nhân dân Việt Nam lúc này đang tiến hành trong những điều kiện quốc tế hoàn
toàn khác hẳn. Trước hết, thắng lợi của Cách
mạng tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người, thời đại
của cách mạng vô sản và nó gắn liền phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa của
giai cấp công nhân các nước tư bản phát triển với phong trào cách mạng giải
phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức. Tiếp đó, sau Chiến tranh thế giới thứ
hai, với sự thắng lợi của Liên Xô trước quân đội phát xít, chủ nghĩa xã hội đã
được mở rộng, phát triển thành hệ thống thế giới và trở thành nhân tố quyết
định sự phát triển của cách mạng thế giới. Phe xã hội chủ nghĩa đã trở thành
thành trì, thành chỗ dựa vững chắc của cuộc đấu tranh giải phóng của các dân
tộc bị áp bức. Việt Nam có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ rất to lớn
của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, tạo điều
kiện cho nhân dân Việt Nam có thêm sức mạnh về chính trị tinh thần, cũng như về
vật chất kỹ thuật để đánh thắng kẻ thù có ưu thế về mặt vũ khí trang bị. Có thể
nói ngày nay ngoài hậu phương trong nước, Việt Nam còn có một hậu phương rất
rộng lớn là phe xã hội chủ nghĩa, đánh giặc với tiềm lực của đất nước Việt Nam,
đồng thời với một phần tiềm lực của phe xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ đầu, Đảng Cộng
sản Việt Nam đã nhận định cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc cách
mạng thế giới, vì thế, nó cần phối hợp với phong trào cách mạng thế giới và
tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của phong trào cách mạng thế giới. Đặc biệt là sau
thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành
lập, thì lực lượng cách mạng thế giới mà trung tâm là phe xã hội chủ nghĩa đã
mạnh hơn lực lượng phản cách mạng là phe đế quốc chủ nghĩa. Cách mạng thế giới
đang ở thế tiến công liên tục, từ nhiều phía vào chủ nghĩa đế quốc và giành
được những thắng lợi to lớn. Đó là những điều kiện quốc tế đặc biệt thuận lợi
cho cách mạng Việt Nam cần tranh thủ.
Từ quan điểm cho rằng cách mạng Việt Nam là một bộ phận
của cách mạng vô sản thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: Để tạo sức mạnh
lớn nhất cho cuộc kháng chiến, trên cơ sở phải dựa vào sức mình là chính, còn
phải ra sức tranh thủ sự giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em,
của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến
bộ của nước xâm lược. Bởi vì, “ý chí hoà bình rất mạnh trong nhân dân khắp thế
giới là một trở lực rất lớn cho những bọn tài chính muốn gây lại chiến tranh,
phản lại dân chủ”[5]. Với sức mạnh mới của toàn dân tộc trong thời đại
mới, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương dựa vào sức mình là chính, đánh giặc
bằng sức mạnh của con người Việt Nam, bằng sự ưu việt của chế độ mới, nhưng
đồng thời cũng còn phải dựa vào sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức to lớn của cách
mạng thế giới mà trụ cột là phe xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chỉ có thể tranh
thủ được sự giúp đỡ quốc tế ngày càng lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh đoàn kết
chiến đấu của cả dân tộc. Hơn nữa, sự giúp đỡ quốc tế bao giờ cũng phải thông
qua sự nỗ lực chủ quan của nhân dân, của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam mới phát huy được hiệu lực. Cũng vì vậy, trong khi
hết sức coi trọng sự giúp đỡ quốc tế, bao giờ cũng dựa vào sức mình là chính,
kết hợp chặt chẽ việc dựa vào sức mình là chính với việc phát huy mạnh mẽ sự
giúp đỡ quốc tế.
Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam coi “tự lực cánh sinh là chính, đồng thời tranh thủ
sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế” là nguyên tắc, là khẩu hiệu, là phương châm
chiến lược của cuộc kháng chiến. Như vậy, nội dung mới trong chiến tranh
nhân dân Việt Nam là dựa vào sức mình là chính, đánh giặc bằng sức mạnh của con
người Việt Nam, của chế độ xã hội tiên tiến Việt Nam, bằng tiềm lực của đất
nước Việt Nam, đồng thời còn dựa vào tiềm lực to lớn của phe xã hội chủ nghĩa
và phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, kể cả phong trào đấu tranh của
nhân dân nước địch.
Không chỉ có vậy, nhân dân Việt Nam luôn nắm vững mối
quan hệ giữa việc tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế với việc ra sức làm tròn nghĩa
vụ quốc tế của mình.
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương dựa vào sức mình là
chính, đồng thời ra sức tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế, không phải chỉ để làm
nghĩa vụ đối với dân tộc Việt Nam, mà còn để làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trước
hết, phải thấy rõ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam hiện nay không phải chỉ
vì lợi ích dân tộc mình, mà còn vì lợi ích của cách mạng thế giới. Hồ Chí Minh
nói: "Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lợi ích của phe xã hội chủ nghĩa,
của các dân tộc bị áp bức và của cả loài người tiến bộ, chúng ta đang chiến đấu
và chiến thắng một kẻ thù hung ác nhất trên thế giới". Do được thấm nhuần tư
tưởng đó mà nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, dũng cảm đương
đầu với tên đế quốc đầu sỏ, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của
nhân dân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, góp phần tích cực làm phá sản
chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Cũng chính vì thế mà Việt
Nam đã làm cho nhân dân cách mạng trên thế giới ngày càng biết ơn và khâm phục,
càng thấy rõ nghĩa vụ của họ là phải tích cực phối hợp hành động và giúp đỡ Việt
Nam đánh bại kẻ thù chung.
Trong lúc chiến đấu vì độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam
đã ra sức giúp đỡ sự nghiệp cách mạng của nhân dân hai nước Lào và Căm-pu-chia,
coi đó là sự nghiệp cách mạng của chính mình. Đây là một nghĩa vụ quốc tế mà Đảng
Cộng sản Việt Nam đã xác định và thực hiện một cách hết sức chân thành và triệt
để. Trong suốt mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
quân và dân Việt Nam đã không tiếc sức lực, của cải và cả xương máu để làm tròn
nghĩa vụ đó. Đồng thời nhân dân hai nước bạn cũng đã hết lòng giúp đỡ sự nghiệp
cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đánh giá rất
cao sự giúp đỡ quý báu đó. Cán bộ và chiến sĩ lực lượng vũ trang Việt Nam cần
thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng của nhân
dân ba nước Đông Dương, luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, tích cực
góp phần thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân ba nước. Trong việc
giúp đỡ quân và dân Lào, Campuchia, phải chú ý tạo mọi điều kiện thuận lợi để các
nướccó thể tự giải quyết các vấn đề của họ, tránh bao biện làm thay.
Vận dụng quan điểm này trong thực tiễn 30 năm chiến tranh
cách mạng bảo vệ và giải phóng Tổ quốc (1945-1975), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ
trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; kiên định đường lối độc lập, tự chủ,
đồng thời thực hiện đường lối đối ngoại đúng
đắn, nhằm tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Trong
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tư tưởng dựa vào sức mình là
chính, chủ động ứng phó với mọi biến đổi của tình hình, trong điều kiện mọi sự
giúp đỡ từ bên ngoài lúc này đều hoặc không có, hoặc rất khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp sáng tạo, nhằm không
ngừng củng cố thực lực của đất nước. Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi
đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Hồ Chí Minh đã nêu lên những việc cần phải
làm: Chính phủ và nhân dân phải đồng tâm nhất trí, ra sức tổ chức, ra sức công
tác, đoàn kết hơn nữa, mở mang kinh tế, xây dựng nước nhà, thực hành đời sống
mới khắp mọi phương diện. Bất kỳ gái, trai, già, trẻ, bất kỳ sĩ, nông, công,
thương, toàn thể quốc dân phải ra sức làm việc; làm cho Chính phủ và nhân dân
Pháp trông thấy, làm cho toàn thế giới trông thấy rằng: Dân Việt Nam đã đủ tư
cách độc lập, tự do, không thừa nhận tự do độc lập thì không được. Muốn
kháng chiến trường kỳ đi đến thắng lợi, trong khi xác định dựa vào lực lượng
của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận thức được rằng, phải ra sức bồi
dưỡng lực lượng, phải làm cho lực lượng đó ngày càng lớn mạnh, lúc đó mới thực
hiện được tự lực cánh sinh. Từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến trước
chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân đã tự mình xây dựng được
một lực lượng chính trị, quân sự hùng hậu, một nền kinh tế, văn hoá, giáo dục
ngày càng phát triển, một nhà nước tuy còn non trẻ, nhưng mang bản chất của
dân, do dân, vì dân. Trong lò lửa kháng
chiến, một nước Việt Nam mới, độc lập, phú cường đang được rèn đúc.
Hàng
loạt biện pháp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội đã từng
bước khôi phục nền kinh tế mới, xây dựng nền dân chủ nhân dân, kịp thời khắc
phục nạn đói, nạn lụt, gây tác hại tới đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố
nền văn hoá mới - nền văn hoá phục vụ mục tiêu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”
… đã đáp ứng có hiệu quả nhu cầu của kháng chiến. Nền kinh tế tự cấp tự túc
được đẩy mạnh theo hướng toàn dân sản xuất, đảm bảo các nhu cầu chủ yếu trong
đời sống: Thóc lúa, vải, giấy. Đồng thời, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tích cực xây dựng công nghiệp quốc phòng để
sửa chữa, sản xuất vũ khí, đạn dược, bảo đảm cho chiến đấu trên các chiến
trường và phục vụ cho chiến tranh du kích phát triển rộng khắp trong cả nước.
Nhờ vậy, sức mạnh của kháng chiến được tăng cường, đủ sức phá thế bao vây của
địch, mở rộng quan hệ quốc tế.
Trong
tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định quyết tâm đem sức
ta mà đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng: “Nguyện vọng tha thiết của dân tộc
ta lúc này là độc lập và thống nhất thật sự và hoàn toàn. Độc lập và thống nhất
không thể xin mà có được, cũng không thể nhờ ai giành hộ. Phải tự mình đấu
tranh mà giành lấy. Vì thế, dân tộc ta đã kháng chiến và phải kháng chiến đến
cùng, kỳ cho tiêu diệt hết quân xâm lược”[6].
Lúc này, khẩu hiệu “tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ” trở thành lời tâm niệm
máu thịt của mỗi người dân Việt Nam và biến thành hành động. Đó cũng là biểu
hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh: “Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”[7].
Từ khi cách mạng
Trung Quốc thành công, Việt Nam được các nước Trung Quốc, Liên Xô và các nước
dân chủ nhân dân công nhận, chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 giành được
thắng lợi, Việt Nam đã được nối liền với thế giới dân chủ. Đảng Cộng sản Việt
Nam đã nhận thấy đây “là một dịp cho tinh thần tư tưởng ỷ lại vào các nước bạn
và tinh thần lạc quan tếu tăng thêm”[8].
Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh phương châm tự lực cánh sinh
là chính. Và thực tế chín năm kháng chiến đã chứng minh: đối phương càng đánh
càng suy yếu và nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh dần và lớn mạnh lên chủ
yếu là nhờ ở sự cố gắng của nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, một lần nữa tư tưởng “tự lực cách sinh là chính” lại
trở thành phương châm chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Cuộc chiến
tranh giải phóng của nhân dân ta ở miền Nam lấy tự lực cánh sinh làm chính, mặc
dầu sự ủng hộ của quốc tế là quan trọng và vô cùng quý báu. Bởi vì đây là một
cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, không cam tâm làm nô lệ, vùng
lên để tự giải phóng; bởi vì độc lập khách quan bên ngoài dù có thuận lợi đến
đâu, cũng phải thông qua sự nỗ lực chủ
quan bên trong mới phát huy được tác dụng”[9].
Trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đương đầu với một kẻ thù mạnh, sừng sỏ, Đảng Cộng
sản Việt Nam luôn xác định chỉ có thực lực mới là yếu tố quyết định thắng lợi. Nhân
dân Việt Nam đã động viên một cách cao nhất sức người, sức của, nhân tài, vật
lực cho chiến trường. Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khẩu hiệu: “Mỗi người làm
việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tuyền tuyến”… đã trở thành
lời hiệu triệu tha thiết, tạo nên những làn sóng thi đua mạnh mẽ, mang lại hiệu
quả thiết thực. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, miền
Bắc vẫn đảm đương một cách xuất sắc vai trò của hậu phương lớn, “thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân dân Việt Nam đã phát huy tối
đa tinh thần tự lực, tự cường.
Tiến hành chiến tranh
xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan đánh bại cách mạng Việt Nam, xoá bỏ ngọn
cờ giải phóng dân tộc, huỷ diệt tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, lấy đó răn
đe phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của chủ
nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và trên thế giới. Do vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước của nhân dân Việt Nam trở thành một tiêu điểm của cuộc đọ sức quyết
liệt giữa thế lực phản cách mạng do đế quốc Mỹ cầm đầu và thế lực cách mạng do
phe xã hội chủ nghĩa làm nòng cốt.
Nhân dân Việt Nam
không những chiến đấu vì lợi ích sống còn của dân tộc, mà còn gánh vác sứ mệnh
lịch sử làm người chiến sĩ xung kích trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân
thế giới chống chủ nghĩa đế quốc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ
nghĩa xã hội. Muốn đánh thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử này, nhân dân không thể
chiến đấu đơn độc, không thể phát huy hết tiềm năng và nguồn lực, nếu không gắn
sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc với những trào lưu cách mạng của thời đại.
Hơn nữa, sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong điều
kiện phe xã hội chủ nghĩa không ngừng lớn mạnh với hơn một ngàn triệu dân, có
tiềm lực kinh tế hùng hậu, lực lượng quốc phòng mạnh mẽ. Đó là chỗ dựa vững
chắc, là thành trì chắc chắn của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc
lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Từ chỗ bị bao vây bốn phía, Việt Nam đã có
điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của phe xã hội chủ nghĩa. Do đó, trên cơ sở dựa
vào sức mình là chính, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự
chủ, cố gắng huy động đến mức cao nhất lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế,
văn hoá, lực lượng vật chất và tinh thần sẵn có, nhân dân Việt Nam có thể và
cần phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ về mọi mặt của phe xã hội chủ
nghĩa. Đó là một nhân tố rất quan trọng, có tác dụng tăng cường mạnh mẽ lực
lượng chiến đấu của nhân dân Việt Nam, nhằm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Như
vậy, có hậu phương xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, hậu phương cả nước kết
hợp với hậu phương tại chỗ, nhân dân Việt Nam có thể phát huy đến mức cao nhất
tiềm lực kinh tế, quân sự của đất nước nước mình, đồng thời tận dụng được những
thuận lợi của thời đại để đưa cuộc kháng
chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Trên thực tế, suốt
những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những nhiệm vụ có tầm quan
trọng đặc biệt của Đảng, Nhà Việt Nam là củng cố, tăng cường tình đoàn kết và
tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của cả Liên Xô, Trung Quốc, của các nước XHCN,
của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới, củng cố chỗ dựa vững chắc cho cuộc kháng
chiến của dân tộc. Đồng thời với việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn,
Việt Nam luôn chú trọng tranh thủ bất kỳ bất cứ điều kiện có lợi nào cho cuộc
kháng chiến đầy khó khăn gian khổ của mình. Việc các nước XHCN khác (Ba Lan,
Hunggari, Tiệp Khắc, Cuba, Triều Tiên, Mông Cổ...) tích cực ủng hộ Việt Nam
trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến là sự thể hiện đường lối đoàn kết với
các nước XHCN của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt
Nam luôn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ, vững chắc, sự giúp đỡ to lớn trên cả
hai phương diện tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân
loại tiến bộ. Đặc biệt, sự giúp đỡ hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất
là Liên Xô, Trung Quốc từ vũ khí, phương tiện chiến tranh, lương thực, ngoại tệ
mạnh, đến cả vật tư, kỹ thuật và hàng tiêu dùng thông dụng đã góp phần quan
trọng, tăng cường khả năng quốc phòng và sức mạnh chiến đấu của quân đội và
nhân dân. Các lực lượng cách mạng khác, các tầng lớp nhân dân lao động, các
chiến sĩ hoà bình, nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ
Mỹ cũng đã giành cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam sự ủng hộ,
đồng tình sâu sắc. Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những nguyên nhân
quan trọng quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Tóm lại, thắng lợi to
lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước trong điều kiện bị chủ nghĩa đế quốc bao vây đã chứng minh sức
mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam biết nắm vững phương châm dựa vào sức mình là
chính. Thắng lợi đó cũng không tách rời sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân cách
mạng trên toàn thế giới. Phong trào cách mạng thế giới đã tạo nên những điều
kiện khách quan thuận lợi cho chiến tranh cách mạng Việt Nam. Dù trong hoàn
cảnh Việt Nam bị bao vây, hay khi đã nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa,
thì trực tiếp hay gián tiếp, về mặt chính trị, tinh thần hay vật chất, nhân dân
đều nhận được sự ủng hộ, đồng tình mạnh mẽ và rộng rãi của anh em bầu bạn khắp
năm châu.
Suốt mấy chục năm qua, khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh
cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã chủ yếu dựa vào sức mạnh của
con người Việt Nam, của truyền thống dân tộc Việt Nam, của chế độ xã hội tiên
tiến đang được xây dựng từng bước ở Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng đã tranh
thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to lớn của nhân dân thế giới mà trung
tâm là phe xã hội chủ nghĩa.
Đó là một thực tế lịch sử và là một quy luật giành thắng
lợi của cách mạng, của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam
trong thời đại ngày nay. Đó cũng là một phương châm chiến lược rất đúng đắn,
đánh dấu một bước phát triển mới trong phương thức tiến hành chiến tranh nhân
dân ở Việt Nam so với các thời kỳ lịch sử trước đây. Dân tộc Việt Nam đã nhiều
lần tiến hành chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc hoặc bảo vệ Tổ
quốc, nhưng chưa bao giờ có thể phát huy được sức mạnh của toàn dân đánh giặc,
đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ quốc tế to lớn như ngày nay. Đây không chỉ
là một nhân tố khách quan của thời đại, mà còn là một nghệ thuật lãnh đạo cách
mạng, lãnh đạo chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó chứng tỏ Đảng Cộng
sản Việt Nam đã quán triệt rất sâu sắc quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng, có một lòng tin tưởng rất vững chắc vào sức mạnh của nhân dân Việt
Nam và dân tộc Việt Nam. Đồng thời Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã quán triệt rất
sâu sắc quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách
mạng thế giới, luôn luôn biết phát huy nhân tố thuận lợi của thời đại để giành
thắng lợi cho cách mạng, cho khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng ở Việt
Nam đã góp phần tích cực của nhân dân Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng thế
giới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết hợp tinh thần độc lập, tự
chủ với tinh thần đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 8, tr. 44.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 570..
[3] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 522.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 150.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 74.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 111.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 157.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 115.
[9] Võ Nguyên Giáp, Cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân
miền Nam
chống đế quốc Mỹ và tay sai nhất định thắng lợi, Sđd, tr. 52.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!