Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

KẾT HỢP ĐẤU TRANH QUÂN SỰ VỚI ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO (1945-1975)

PGS,TS. Hồ Khang
Cuộc chiến tranh ba mươi năm chống xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa được sự đồng tình, ủng hộ của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Để động viên được cao độ mọi lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc và dân chủ trong cuộc chiến ba mươi năm ấy, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có sách lược đúng đắn trong đấu tranh ngoại giao. Trên mặt trận này, Đảng LĐVN đã có chiến lược vừa đánh vừa đàm, đánh là chủ yếu, đàm là kết hợp, giúp tiến tới kết thúc chiến tranh đúng thời cơ. Sự kết hợp giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao đã đạt được bước phát triển cao, gắn bó chặt chẽ, tạo thành sức mạnh tiến công tổng hợp lớn để chiến thắng.

Trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ và rất mực hào hùng của nhân dân Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng, phát triển công tác ngoại giao thành một lực lượng đấu tranh, một phương thức tiến công kẻ xâm lược trên chính trường thế giới, thành một diễn đàn tập hợp những tiếng nói chính nghĩa ủng hộ chống xâm lược. Phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự, mặt trận chính trị, lấy chính nghĩa làm điểm tựa, lấy hữu nghị, đoàn kết giữa các quốc gia dân tộc làm mục tiêu, lấy hoà bình, hoà hiếu làm tư tưởng xuyên suốt, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho hoà bình và tiến bộ trên thế giới, hình thành thế và lực tiến công ngoại giao ngày càng mạnh, trực tiếp góp phần quan trọng vào những thắng lợi trong đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và Hiệp định Pa ri năm 1973, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh 30 năm.
Trong suốt mười ngàn ngày đêm chiến đấu, đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự đã kết hợp chặt chẽ với nhau để giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành toàn thắng. Cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, trong xu thế phát triển của thời đại mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới hình thành và phát triển mạnh mẽ; phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh, phong trào đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh hạt nhân và bảo vệ hoà bình thế giới lôi cuốn đông đảo nhân dân các nước tham gia. Tất cả những yếu tố đó đã làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, tạo nên thuận lợi rất cơ bản cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách xâm lược của một số nước tư bản là trở ngại chính trong cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình, giành độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ở thời điểm này phù hợp với xu thế của thời đại và được nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng tình, ủng hộ. Đảng LĐVN xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, đặt cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam trong cục diện chung của cách mạng thế giới, trong xu thế cách mạng của thời đại. Đánh giá đúng chiến lược của các nước lớn có liên quan, đặc biệt là tập trung đánh giá đúng chiến lược của Pháp và Mỹ, Đảng LĐVN gắn liền việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam với việc vạch ra mục tiêu, phương hướng, đường lối, chính sách đối ngoại, chiến lược, sách lược đấu tranh, tập hợp lực lượng, xây dựng nền tảng chính sách đối ngoại và nền ngoại giao của Việt Nam, tiến công đối phương trên chính trường quốc tế.
Nước Việt Nam DCCH vừa ra đời đã thực hiện một chiến lược đối ngoại cách mạng nhạy bén; đã tiến hành những hoạt động đối ngoại khôn khéo nhằm phân hoá kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ nhằm làm thất bại âm mưu thôn tính, nô dịch của đối phương. Khi lực lượng quân sự chưa đủ lớn mạnh, với chính sách đối ngoại khôn khéo đó hoà hoãn để xây dựng và phát triển lực lượng. Chính những quyết định sáng suốt và táo bạo nhằm tập trung đánh vào kẻ thù chính, cô lập cao độ chúng, thực hiện sự nhân nhượng và thoả hiệp có nguyên tắc, đã đua cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo trong năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, giúp củng cố thêm lực lượng quân sự. Từ đó cho đến suốt cuộc chiến tranh 30 năm, nhất là thời kỳ chống Mỹ, một đường lối đối ngoại kết hợp đấu tranh quân sự đã đưa đất nước giành thắng lợi cuối cùng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam gặp nhiều bất lợi: đất nước bị bao vây, cô lập, chưa được một nước nào công nhận về mặt ngoại giao. Do đó, chính sách Đảng, Nhà nước Việt Nam lúc này là kiên trì thực hiện chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” với thực dân Pháp, phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao và đấu tranh quân sự, chính trị để phá vòng vây của kẻ thù. Khi chiến tranh lan rộng ra toàn quốc, Chính phủ Việt Nam DCCH đã nỗ lực tận dụng những khả năng và cơ hội để giải quyết hoà bình xung đột Việt Nam và Pháp. Với chủ trương giành độc lập và thống nhất đất nước bằng những phương pháp ít đau đớn nhất, ít tổn hại nhất, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để có thể giải quyết hoà bình về vấn đề Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại ngay sau khi toàn quốc kháng chiến. Nhưng sau những nỗ lực cố gắng của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm đi đến sự dàn xếp, thương lượng với Pháp để tái lập hoà bình đã không thành công do Chính phủ Pháp chủ trương không chấp nhận thương lượng, không chấp nhận Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong khi Việt Nam thương lượng với Pháp, Chính phủ Việt Nam vẫn thiết lập quan hệ ngoại giao với Thái Lan, Lào, Campuchia và các nước khác ở Châu Á, liên tục mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới để nâng cao uy tín quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ, nhân dân các nước trong khu vực và quốc tế với cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập, thống nhất và tự do của Việt Nam. Cùng với những nỗ lực đó, Đảng, Chính phủ Việt Nam kiên quyết kháng chiến để giành lại độc lập tự do.
Với tư tưởng và đường lối kháng chiến sáng suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sau ba năm chiến đấu cực kỳ gian khổ, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách gian nguy và đứng vững. Lực lượng kháng chiến trưởng thành về mọi mặt. Lực lượng vũ trang đã thực sự lớn mạnh tạo đà cho bước phát triển mới của cuộc kháng chiến để từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường. Mùa Xuân năm 1950, trên chiến trường Bắc Bộ, lực lượng cơ động của Quân đội Việt Nam đã có ưu thế hơn lực lượng cơ động chiến lược của đối phương. Quân đội Việt Nam có điều kiện để mở những chiến dịch tiến công, tiến tới giành thế chủ động trên chiến trường chính. Đến tháng 9 năm 1950, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, chiến dịch Biên giới bắt đầu, ngày 15 tháng 10 năm 1950 kết thúc. Chiến thắng Biên giới mở ra một cục diện mới, chấm dứt tình trạng Việt Nam chiến đấu trong vòng vâ, đó là kết quả cộng hưởng của những nỗ lực ngoại giao, từ đây, cánh cửa phía Bắc mở rộng để đảm bảo mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam DCCH với các đồng minh chiến lược.
Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo tư tưởng nhất quán là trong đoàn kết, tranh thủ lực lượng quốc tế, luôn lấy việc đoàn kết với các nước XHCN làm trung tâm, nhất là Trung Quốc và Liên Xô. Việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đã làm tăng thêm sức mạnh về tinh thần, vật chất, cổ vũ cho quân đội vả nhân dân Việt Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Cùng với những nỗ lực ngoại giao, quân và dân Việt Nam nỗ lực đánh thắng trên chiến trường, đưa cuộc kháng chiến từng bước đến thắng lợi. Như vậy, nhân dân Việt Nam đã biến sức mạnh của chính nghĩa từng bước thành thắng lợi hiện thực. Thực tế, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã phản ánh quá trình tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế luôn gắn liền với nỗ lực đánh thắng trên chiến trường. Mỗi thắng lợi qua các giai đoạn chiến lược là một bước phát triển mới trong sự nghiệp tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế.
Như vậy, với những hoạt động ngoại giao nhằm mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới- trước hết là đồng minh chiến lược Trung Quốc, Liên Xô, phát huy sức mạnh dân tộc và sự giúp đỡ bạn bè khắp năm châu, nêu cao chủ nghĩa yêu nước là một trong những nhân tố cơ bản góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến. Rõ ràng, muốn kháng chiến thắng lợi phải phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh đoàn kết quốc tế, lấy sức mạnh dân tộc là chủ yếu; kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao, lấy quân sự chính trị làm chủ yếu.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Giơ ne vơ để đi đến công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cuối cùng, hoà bình đã được lập lại trên cả ba nước Đông Dương.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc - đó là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ trên toàn thế giới. Thắng lợi đó do nhiều nhân tố tạo nên; trong đó, nhân tố cơ bản quyết định nhất là do sớm có đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ, tạo lập, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc quyết một lòng hy sinh chiến đấu vì tự do và độc lập, kết hợp sức mạnh dân tộc và quốc tế.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại, miền Bắc dược giải phóng hoàn toàn. Song mục tiêu thống nhất độc lập chưa được thực hiện trọn vẹn trên cả nước. Nhân dân Việt Nam còn phải tiếp tục đấu tranh để đạt cho kỳ được mục tiêu đó trong những điều kiện mới, đối mặt với lực lượng hùng mạnh là Mỹ.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ triển khai chính sách toàn cầu mới và Việt Nam là một trong những mắt xích trong chuỗi mắt xích chiến lược của Mỹ. Mục tiêu cách mạng, mục đích chính trị của cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam chống xâm lược phù hợp với xu thế của thời đại, ngày càng được nhân loại đồng tình, ủng hộ. Trên bình diện quốc tế, trong quá trình kháng chiến, nhân dân Việt Nam còn phải đương đầu với những khó khăn, thử thách nghiêm trọng phát sinh từ sự bất hoà ngày càng sâu sắc trong phong trào cộng sản quốc tế, giữa các đảng và các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là giữa Liên xô và Trung Quốc. Mỹ đã ra sức khai thác tình hình đó để leo thang và mở rộng chiến tranh, tìm mọi cách hòng cô lập và đè bẹp cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Đảng LĐVN đã đánh giá đúng tình hình, chiến lược của các nước lớn có liên quan, đặc biệt là chiến lược của Mỹ, đặt đất nước trong tương quan lực lượng trên thế giới, gắn liền việc xác định nhiệm vụ, mục tiêu cách mạng, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam với việc vạch ra mục tiêu, phương hướng, đường lối, chính sách đối ngoại, chiến lược, sách lược đấu tranh, tập hợp lực lượng, xây dựng nền tảng chính sách đối ngoại và nền ngoại giao của ta, tiến công địch trên chính trường quốc tế.
Đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại của Việt Nam làm cho mặt trận đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhất là từ sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (26.1.1967) về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao chủ động tiến công, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, có bước trưởng thành vượt bậc. Đấu tranh ngoại giao của ta phối hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị giành thắng lợi ngày càng lớn ở miền Nam và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Hoa Kỳ ở miền Bắc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 13 đã chỉ rõ: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận mgoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn Hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà, trong tình hình quốc tế hiện nay, đối với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, cuộc đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của nó”. Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4 năm 1967 khẳng định thêm “ngoại giao là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược”.
Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam, có kết hợp chặt chẽ nhịp nhàng đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, kết hợp cuộc chiến đấu trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên chính trường quốc tế, đánh đúng vào chỗ yếu cơ bản về chính trị của đối phương, thì hiệu quả đấu tranh ngoại giao mới góp phần tạo thêm thế và lực mới cho cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện. Điều đó được thể hiện rõ ràng, sinh động, nhất là từ khi ta mở cục diện vừa đánh vừa đàm.
Cuộc đàm phán Pari là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Ở đây cũng thể hiện sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai mặt trận quân sự và ngoại giao, phối hợp cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.
Khác với Hội nghị quốc tế Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Hội nghị Pari là cuộc đàm phán tay đôi do Việt Nam thắng lớn, thế và lực mạnh hơn năm 1954. Đế quốc Mỹ vì sự thất bại nặng nề do cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân năm 1968, buộc phải chấp nhận thương lượng để tìm một lối thoát danh dự, buộc phải coi Việt Nam là một bên đối thoại trực tiếp, bình đẳng.
Hoà nhịp với thắng lợi to lớn của quân và dân trên các chiến trường trong những năm 1971, 1972, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh tiến công trong đàm phán trên thế chủ động hơn bao giờ hết. Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 với ba chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng trên ba hướng Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và đông Nam Bộ, hai chiến dịch tổng hợp ở Bắc Bình Định và đồng bằng Nam Bộ đã tạo thêm thế chủ động trên bàn đàm phán. Kết hợp chặt chẽ đánh với đàm, Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi Mỹ phải rút hết quân viễn chinh về nước, trong khi Qquân đội Bắc Việt Nam vẫn ở miền Nam. Phía Mỹ phản ứng quyết liệt. Họ buộc phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước, nhưng vẫn tiếp tục đẩy mạnh “Việt Nam hoá” chiến tranh thương lượng trên thế mạnh. Để gây sức ép, Mỹ đã dùng B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng.
Thắng lợi của Hội nghị Pa ri là thành quả trực tiếp của sự kết hợp hai mặt trận đấu tranh quân sự, ngoại giao.
Sự tỉnh táo của Đảng LĐVN trong đánh giá đúng so sánh lực lượng trong cả hai cuộc kháng chiến, nhất là đánh giá đúng bản chất và chiến lược của Hoa kỳ, hạ quyết tâm đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, từ đó đề ra những sách lược kết hợp đấu tranh để giành thắng lợi là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi. Đứng vững trên lập trường đảm bảo lợi ích dân tộc, có phương pháp tiếp cận biện chứng, Đảng LĐVN xem xét chỗ mạnh, chỗ yếu của hai bên một cách tổng hợp trong không gian và thời gian cụ thể, theo quan điểm vận động phát triển, luôn chú ý cả yếu tố khách quan lẫn yếu tố chủ quan trong việc chỉ đạo chiến tranh. Nhờ đánh giá đúng lực lượng so sánh đôi bên như vậy, thấu hiểu bản chất từng âm mưu và chiến lược chiến tranh của đối phương, thấu hiểu chiến lược của các nước lớn và đánh giá đúng thời cuộc, cho nên tư tưởng quyết thắng Pháp và Mỹ, lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của Đảng và nhân dân Việt Nam được củng cố, nâng cao vững chắc. Dù xét theo ý nghĩa nào, thì việc theo sát thời cuộc, nắm bắt xu thế phát triển thời cuộc, kịp thời đổi mới tư duy luôn luôn là tiên đề cho việc hoạch định chính sách, xác định phương hướng, kế hoạch, phối hợp có hiệu quả giữa đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự. Đảng LĐVN đã kết hợp đánh địch trên chiến trường với tiến công địch trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ hoà bình với những thời gian ngừng chiến sần thiết trong những hoàn cảnh nhất định để chấn chỉnh lực lượng và phát triển lực lượng, chuẩn bị cho  những trận chiến đấu mới. Trong công tác đối ngoại, đó là việc tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ quốc tế ngày càng lớn trong quá trình chiến tranh và phát huy hiệu lực ngày càng cao sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế. Chính vì vậy, và cũng có như vậy nhân dân Việt Nam mới có thể tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ nhiều thập kỷ liền và cuối cùng đã tạo nên sức mạnh đủ để đánh bại hoàn toàn các thế lực xâm lược, giành độc lập, tự do.
Trong thời cơ và vận hội mới của đất nước và của thời đại, khi xu thế quốc tế hoá đời sống của các quốc gia dân tộc trên hành tinh đang phát triển, để có thể đứng vững và ngày càng phát triển, kế thừa những kinh nghiệm trong kháng chiến, chúng ta đồng thời với việc phát triển ngoại giao, phát triển kinh tế để hoà nhập cộng đồng thế giới bên cạnh đó cần phải củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước trong tình hình mới.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!