PGS,TS. Hồ Khang
Nắm chắc quy luật vận động, chuyển hoá tương quan lực
lượng giữa Việt Nam và đối phương trong các cuộc kháng chiến, Đảng CSVN chủ
trương “kháng chiến lâu dài”. Trường kỳ kháng chiến là chiến lược của
chiến tranh nhân dân Việt Nam đánh kẻ thù có ưu thế về lực lượng quân sự. Chủ
trương đánh lâu dài, kháng chiến trường kỳ trở thành một phương châm chiến lược
của Đảng CSVN trong kháng chiến. Đó cũng là quy luật tất yếu của chiến tranh
nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Hồ Chí
Minh đã chỉ rõ: “Đất ta hẹp, dân ta ít, nước ta nghèo, ta phải chuẩn bị lâu dài
và phải có sự chuẩn bị về toàn diện của toàn dân”[1].
Hơn nữa, là những đội quân xâm lược, đối phương muốn đánh nhanh, thắng nhanh,
vì vậy, để làm sụp đổ âm mưu xâm lược, Việt Nam chủ trương đánh lâu dài.
Đánh lâu dài làm cho chỗ yếu của đối phương ngày càng lộ rõ, chỗ mạnh của đối phương ngày một hạn chế; chỗ yếu của kháng chiến dần dần được khắc phục, chỗ mạnh ngày càng được phát huy, đến lúc tương quan lực lượng có lợi nhất, bất lợi cho đối phương. Viết về vấn đề này, Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Địch muốn tốc chiến, tốc thắng, ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[2]. Nói cách khác, đối phương muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh, tổn tướng, đối phương sẽ thất bại. Vậy Việt Nam dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm. Như vậy, trong điều kiện đất Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu, dân không đông, để chống lại đối phương lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần, phương châm chiến lược của Đảng CSVN là đánh lâu dài, vừa đánh vừa vũ trang thêm, vừa đánh vừa bồi dưỡng sức dân, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, dần dần chuyển hoá sự so sánh lực lượng. Ngoài ra, đánh lâu dài về chiến lược chẳng những là yêu cầu, là con đường tất yếu để giành thắng lợi, mà cũng là vấn đề hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Đây cũng là một đặc điểm, một truyền thống quân sự của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé luôn luôn phải chống chọi với những lực lượng ngoại xâm lớn mạnh hơn mình gấp bội.
Đánh lâu dài làm cho chỗ yếu của đối phương ngày càng lộ rõ, chỗ mạnh của đối phương ngày một hạn chế; chỗ yếu của kháng chiến dần dần được khắc phục, chỗ mạnh ngày càng được phát huy, đến lúc tương quan lực lượng có lợi nhất, bất lợi cho đối phương. Viết về vấn đề này, Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Địch muốn tốc chiến, tốc thắng, ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[2]. Nói cách khác, đối phương muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh, tổn tướng, đối phương sẽ thất bại. Vậy Việt Nam dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến để phát triển lực lượng, tăng thêm kinh nghiệm. Như vậy, trong điều kiện đất Việt Nam còn nghèo nàn, lạc hậu, dân không đông, để chống lại đối phương lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần, phương châm chiến lược của Đảng CSVN là đánh lâu dài, vừa đánh vừa vũ trang thêm, vừa đánh vừa bồi dưỡng sức dân, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, dần dần chuyển hoá sự so sánh lực lượng. Ngoài ra, đánh lâu dài về chiến lược chẳng những là yêu cầu, là con đường tất yếu để giành thắng lợi, mà cũng là vấn đề hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Đây cũng là một đặc điểm, một truyền thống quân sự của dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé luôn luôn phải chống chọi với những lực lượng ngoại xâm lớn mạnh hơn mình gấp bội.
Tư
tưởng chiến lược kháng chiến trường kỳ được đưa ra dựa trên việc đánh giá đúng
tình thế cách mạng và lực lượng so sánh chung giữa cách mạng và phản cách mạng,
từ đó tận dụng những thời cơ mới xuất hiện. Đây chính là một nét nổi bật trong
đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng CSVN trong các cuộc kháng chiến. Bởi
vì, trong chỉ đạo chiến lược, điều khiển chiến tranh, phải căn cứ vào quá trình
phát triển của so sánh lực lượng giữa hai bên và tình thế cách mạng trong từng
thời kỳ. Nếu như chỉ xem xét đơn thuần, hoặc nhấn mạnh riêng về so sánh lực
lượng quân sự theo quan điểm quân sự đơn thuần của chiến tranh thông thường, mà
không thấy được trong chiến tranh cách mạng còn cần phải căn cứ vào tình thế
cách mạng và lực lượng cách mạng, thì sẽ dẫn tới hữu khuynh, không dám tiến
công khi đối phương tăng cường lực lượng quân sự. Mặt khác, nếu đánh giá quá
cao lực lượng cách mạng và tình thế cách mạng thì lại dễ dẫn tới chủ quan, nôn
nóng. Hơn nữa, sự so sánh lực lượng giữa hai bên tham chiến không chỉ đơn thuần
nhìn vào lực lượng vật chất, mà phải so sánh lực lượng một cách toàn diện, thấy
rõ những chỗ mạnh của địch chỉ là tạm thời, những chỗ yếu của đối phương là căn
bản và không thể nào khắc phục được. Về phía Việt Nam, những điểm yếu chỉ là
tạm thời, kháng chiến có những thế mạnh rất căn bản. Cùng với các yếu tố: Thiên
thời, địa lợi, nhân hoà, các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam dựa trên
sức mạnh chính nghĩa, dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, có đường lối
lãnh đạo đúng đắn, được nhân loại tiến bộ đồng tình và ủng hộ. Như vậy, trong
các cuộc kháng chiến của dân tộc, Đảng CSVN đã xác định đúng tương quan lực
lượng giữa hai bên tham chiến để đưa ra chủ trương kháng chiến trường kỳ.
Thực hiện kháng chiến trường kỳ, Đảng CSVN xác định,
chiến lược kháng chiến lâu dài là phải trải qua một quá trình vừa chiến đấu,
vừa xây dựng lực lượng, thực hành tiêu diệt địch từng bộ phận, giành thắng lợi
từng phần, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, vừa đánh vừa
đàm, tạo thời cơ để tiến lên giành thắng lợi quyết định, đánh tan ý chí xâm
lược của đối phương, đồng thời tận dụng những chuyển biến của tình hình quốc tế
có lợi có cuộc kháng chiến để giành lấy thắng lợi cuối cùng. Những chủ trương,
biện pháp này là sự vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác -
Lê-nin, như Ăng ghen từng viết - những làn sóng của chiến tranh nhân dân cùng
với thời gian sẽ nghiền nát và tiêu huỷ một đội quân lớn nhất ra từng mảnh.
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã xác nhận luận điểm này và Đảng CSVN
đã kế thừa, phát huy lên một trình độ mới. Đánh lâu dài, đánh thắng địch từng
bước là một quy luật giành thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam
trong thời đại Hồ Chí Minh.
Mức độ lâu dài của cuộc chiến tranh tuỳ thuộc vào sự thay
đổi trong tình hình so sánh lực lượng giữa hai bên tham chiến, tuỳ thuộc vào sự
chỉ đạo chiến tranh của hai bên. Kinh nghiệm chiến tranh của dân tộc cho thấy,
trong quá trình chiến tranh lâu dài, khi chiến tranh đi từ bước phát triển này
sang bước phát triển khác, thường có những biến chuyển nhảy vọt, hoặc do cố
gắng của Việt Nam, hoặc do sai lầm của địch, hoặc do tác động của những điều
kiện khách quan thuận lợi. Từ tiến dần từng bước đến phát triển nhảy vọt là quy
luật phát triển của mọi quá trình vận động. Do vậy, trong chiến tranh, nếu biết
phát huy cao độ những cố gắng chủ quan, tận dụng mọi điều kiện khách quan thuận
lợi, biết tạo ra và lợi dụng những chỗ yếu và sai lầm của địch, sáng tạo ra
cách đánh hay, có sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, thì có thể tạo ra những điều
kiện tốt để thực hiện những bước nhảy vọt ngày càng quan trọng, giành thắng lợi
lớn trong chiến tranh. Vì vậy, trên cơ sở đánh lâu dài, luôn phải ra sức phát
huy cố gắng đến mức cao độ về mọi mặt để sáng tạo thời cơ, tranh thủ thời gian,
giành thắng lợi ngày càng to lớn. Chính vì vậy, một phương diện khác trong
chiến lược đánh lâu dài theo quan điểm của Đảng CSVN là kháng chiến lâu dài
không phải là đánh mãi, là kéo dài không thời hạn cuộc chiến tranh, mà phải nắm
vững quy luật chuyển hoá và vận động trong mâu thuẫn, phải tạo và nắm thời cơ,
vận dụng nhân tố thời gian một cách biện chứng để tranh thủ giành thắng lợi
quyết định trong một thời gian tương đối ngắn, càng sớm kết thúc chiến tranh
càng tốt. Đảng CSVN chủ trương, về chiến lược, đối với toàn cục cuộc kháng
chiến, cần có một thời gian tương đối dài để làm chuyển biến so sánh lực lượng;
nhưng về hoạt động cụ thể, lại phải biết tranh thủ thời gian đánh bại các chủ
trương, biện pháp, chiến lược của đối phương, đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
Trong chiến đấu, phải có quyết tâm cao giành thắng lợi lớn, để tạo những bước
nhảy vọt từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, rút ngắn thời gian chiến đấu,
sớm giành lại thắng lợi cuối cùng. Trường kỳ kháng chiến, nhưng trong đó, phải
đồng thời có những cuộc đàm phán đan xen nhằm chớp thời cơ, tạo thời cơ, luôn
luôn tiến công địch để giành lấy thắng lợi nhanh chóng. Đánh lâu dài và tranh
thủ thời gian giành thắng lợi, sớm kết thúc chiến tranh trong tư tưởng chỉ đạo
của Đảng CSVN là không có gì mâu thuẫn với nhau. Đây là một trong những biểu
hiện sinh động của mối quan hệ giữa quy luật khách quan của cách mạng, của khởi
nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam với hoạt động có ý thức của Đảng
CSVN, của quân và dân Việt Nam trong khởi nghĩa và chiến tranh. Chiến lược đó
nhằm phát huy đến cao độ sự cố gắng chủ quan trên cơ sở hiểu biết và vận dụng
đúng quy luật khách quan để giành thắng lợi. Thực tiễn mấy chục năm chiến đấu
liên tục và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam chứng tỏ chiến lược đó của Đảng
CSVN là đúng đắn.
Căn cứ
vào quá trình phát triển cụ thể của sự so sánh lực lượng giữa cách mạng và
chiến tranh cách mạng với chiến tranh xâm lược của kẻ thù mà Đảng CSVN đã vạch
ra cách đánh lâu dài. Chiến lược kháng chiến trường kỳ là sự đối địch có hiệu
quả nhất đối với chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh của quân đội xâm lược. Nhân
dân Việt Nam có thể kháng chiến trường kỳ, nhưng quân đội thực dân, đế quốc
không thể xâm lược trường kỳ, vì cuộc chiến tranh càng kéo dài, thì khó khăn
của đối phương càng chồng chất, những mâu thuẫn nội bộ của đối phương càng bộc
lộ rõ và trở nên gay gắt, cuối cùng sẽ dẫn đối phương đến kết cục thất bại thảm
hại. Đảng CSVN chỉ rõ rằng, chiến lược đánh lâu dài là một tất yếu khách quan.
Do đó, mọi tư tưởng sốt ruột, chủ quan, nóng vội, muốn mau đến chiến thắng hoặc
bi quan, thiếu tin tưởng vào thắng lợi đều là sai lầm.
Nói
một cách tổng quát, chiến lược đánh lâu dài đòi hỏi một sự chỉ đạo rất sáng
suốt trong từng giai đoạn của cuộc chiến tranh, căn cứ vào tương quan so sánh
lực lượng giữa hai bên tham chiến. Kinh nghiệm thành công lớn trong chỉ đạo
chiến tranh cách mạng của Đảng CSVN là trên cơ sở đánh lâu dài, càng đánh càng
mạnh, phải đánh thắng địch từng bước, đánh thắng từng kế hoạch chiến lược, từng
chiến lược chiến tranh tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành triệt để
mục tiêu cách mạng và mục đích chính trị của kháng chiến. Nhân dân Việt Nam
chiến đấu với quyết tâm lớn: Hễ còn một tên lính thực dân, đế quốc trên đất
nước Việt Nam thì cứ đánh, đánh cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Quá trình đánh lâu
dài là quá trình liên tục tiến công địch từ nhỏ đến lớn. Trong quá trình đó, phải
biết phát huy đến mức cao nhất cố gắng chủ quan, tận dụng mọi điều kiện khách
quan thuận lợi, tạo ra và lợi dụng những chỗ yếu, chỗ sơ hở của đối phương, chỉ
đạo chiến lược chính xác và sắc bén, biết nhằm phương hướng mục tiêu đúng và
chọn thời cơ có lợi, tập trung nỗ lực cao, giáng những đòn đau, thật hiểm,
giành thắng lợi lớn về quân sự. Cũng phải biết khéo kết hợp đấu tranh vũ trang
với đấu tranh chính trị, tiến công quân sự với khởi nghĩa và nổi dậy của quần
chúng, làm chủ để tiêu diệt địch; tiêu diệt địch để làm chủ trên cả ba vùng
chiến lược, tạo những bước nhảy vọt quan trọng làm thay đổi thế và lực đôi bên,
làm chuyển biến cả cục diện chiến tranh có lợi nhất. Cuộc trường kỳ kháng chiến
thực chất là một cuộc “dân tộc cách mệnh đến
trình độ tối cao”[3] -
như Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Phải có sự cố gắng chủ quan hết sức tích cực mới đánh
được lâu dài, mới cuối cùng giành được thắng lợi hoàn toàn. "Nắm vững
phương châm chiến lược đánh lâu dài có nghĩa là phải thực sự quán triệt phương
châm ấy vào mọi công tác tổ chức và tư tưởng của cuộc kháng chiến. Phải ra sức
tranh thủ nhân dân, đánh bại mọi âm mưu giành dân, lấn đất của địch; vừa tiến
công tiêu diệt lực lượng địch, vừa xây dựng và phát triển mọi mặt, ra sức mở
rộng và củng cố hậu phương căn cứ địa, thực hiện càng đánh càng mạnh về cả thế
và lực".
Kinh nghiệm của dân tộc Việt Nam cho thấy, trong quá
trình chiến tranh lâu dài, khi chiến tranh đi từ bước phát triển này sang bước
phát triển khác, thường có những bước biến chuyển nhảy vọt. Từ tiến dần từng
bước đến phát triển nhảy vọt là quy luật của mọi quá trình vận động. Khởi nghĩa
và chiến tranh là cuộc đọ sức quyết liệt, là cuộc đấu tranh một mất một còn
giữa hai bên tham chiến, cho nên quy luật đó trong khởi nghĩa và chiến tranh
lại càng biểu hiện rõ nét. Khả năng xuất hiện những biến chuyển nhảy vọt trong
khởi nghĩa và chiến tranh là do kết quả của cả một quá trình cố gắng của cách
mạng, hoặc do sai lầm, thất bại của địch, hoặc do tác động của những điều kiện
khách quan thuận lợi, hoặc do tất cả những nhân tố nói trên tạo nên; nhưng dù
trong trường hợp nào, muốn biến khả năng thành hiện thực, điều quyết định vẫn
là ở sự chỉ đạo chủ quan kịp thời và đúng đắn.
Kinh nghiệm thực tế của khởi nghĩa vũ trang và chiến
tranh cách mạng ở Việt Nam trong mấy chục năm qua cũng chứng minh rằng, từ bước
nhảy vọt trước đến bước nhảy vọt sau, bao giờ cũng phải trải qua một quá trình
tiếp tục tiến dần từng bước chứ không phải là nhảy vọt liên tục. Quãng cách
giữa hai bước dài hay ngắn tuỳ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan đóng vai trò
quyết định. Nếu trong quá trình đó, luôn luôn nẵm vững phương châm chiến lược
đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh, tiếp tục phát huy cao độ cố gắng chủ quan,
vừa đánh, vừa tích cực giữ gìn và phát triển lực lượng, xây dựng thế chiến lược
ngày càng có lợi thì sẽ sớm tạo được điều kiện thuận lợi cho những bước nhảy
vọt mới cao hơn, giành được thắng lợi lớn và sớm hơn.
Trên tinh thần đánh lâu dài, tranh thủ thời cơ giành
thắng lợi trong một thời gian tương đối ngắn, Đảng CSVN đã chỉ đạo và tổ chức
thực hiện trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975).
Ba
nghìn ngày của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những
cuộc chiến tranh dài ngày trong lịch sử những cuộc chiến tranh trên thế giới từ
trước tới nay. Việt Nam áp dụng chiến lược đánh lâu dài, như Hồ Chí Minh đã
khẳng định: Đối lại với âm mưu tốc chiến, tốc thắng của địch bằng kháng chiến
trường kỳ, thì nhất định thắng lợi sẽ thuộc về nhân dân.
Trong rất nhiều văn kiện của Đảng CSVN, trong các bài
viết của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong các bài viết,
bài phát biểu của Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ chiến lược đánh lâu dài của Đảng
CSVN. Đảng CSVN xác định: “Theo tình hình bên Pháp và lòng tham của thực dân,
chỉ có một cuộc chiến tranh toàn diện, lâu dài, gay gắt, khó khăn mới giải
quyết được chủ quyền của Việt Nam”[4].
Chiến lược “trường kỳ kháng chiến” đã được Hồ Chí Minh diễn đạt một cách súc
tích: “Địch âm mưu đánh chớp nhoáng. Đối phương muốn đánh mau, thắng mau, giải
quyết mau, thì Đảng và Chính phủ Việt Nam nêu lên khẩu hiệu: Trường kỳ kháng
chiến"[5], đồng
thời, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Chúng ta cũng phải luôn luôn nhớ rằng: Giặc
Pháp, so với ta, là một kẻ địch khá mạnh, chúng lại có Mỹ và Anh giúp. Giặc
Pháp là “vỏ quýt dầy”, ta phải có thời gian để mà mài “móng tay nhọn”, rồi mới
xé toang xác chúng ra...”[6].
Chủ trương kháng
chiến lâu dài xuất phát từ phân tích tương quan lực lượng giữa hai bên. Lúc đầu
kháng chiến, so sánh lực lượng giữa hai bên tham chiến rất chênh lệch về phía
có lợi cho thực dân Pháp. Thực dân Pháp tuy bị kiệt quệ và lâm vào tình cảnh
suy yếu nghiêm trọng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng quân đội của đối
phương là một đội quân nhà nghề, thiện chiến, được trang bị nhiều vũ khí,
phương tiện chiến tranh hiện đại, có đội ngũ sĩ quan được đào tạo chính quy, có
trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng. Từ năm 1950, đối phương lại được đế
quốc Mỹ tích cực viện trợ về kỹ thuật và hậu cần. Thực dân Pháp là kẻ đi xâm
lược, tiến hành chiến tranh phi nghĩa, nên đối phương không bao giờ muốn đánh
dài ngày, vì càng đánh dài ngày thì những điểm yếu của chiến tranh phi nghĩa sẽ
càng bị lộ rõ. Do so sánh lực lượng ban đầu nghiêng về phía đối phương, nên
thực dân Pháp có ảo tưởng sử dụng sức mạnh vật chất để đè bẹp cuộc chiến đấu
của nhân dân Việt Nam, kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng theo hướng có
lợi cho đối phương.
Còn phía Việt Nam, đất nước vừa giành được độc lập, tuy
có ưu thế lớn về chính trị và tinh thần, nhưng “quân đội nước ta là một quân
đội thơ ấu, tinh thần dũng cảm có thừa nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm,
thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt”[7].
Hơn nữa, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam vốn đã lạc hậu lại bị chiến tranh tàn
phá nghiêm trọng, công nghiệp chưa phát triển, quân thù bao vây bốn mặt... Việt
Nam là một nước nhỏ, khi tiến hành chiến tranh, còn yếu về nhiều mặt. Trong
điều kiện bấy giờ, Đảng CSVN xác định, nếu đem toàn lực mà dốc vào vài trận
hòng phân thắng bại, thì nhất định bại, đối phương sẽ thắng. Chính vì vậy, cần
phải có thời gian để làm chuyển biến so sánh lực lượng, chuyển yếu thành mạnh
thì mới thắng được đối phương. Phải tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ,
một “cuộc kháng chiến sẽ cực khổ, sẽ dai dẳng”, mới có thể tranh lại quyền độc
lập tự do cho dân tộc. Để đối phó với kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của đối
phương, Đảng CSVN chủ trương phải dùng nhỏ đánh lớn, phải lấy ít địch nhiều,
tiến hành kháng chiến trường kỳ, đánh lâu dài chứ không đánh nhanh, không để bị
cuốn theo cuộc chiến tranh mà đối phương mong muốn. Như vậy, do nhận rõ đặc
điểm căn bản về so sánh lực lượng giữa hai bên, cho nên, ngay từ lúc đầu Đảng CSVN
đã chỉ rõ: Muốn thắng nhanh thì nhất định đi đến thất bại, và muốn tránh thất
bại để giành lấy thắng lợi cuối cùng thì phải kháng chiến trường kỳ. Với phương
châm đó, nhân dân Việt Nam đã ra sức giữ gìn và bồi dưỡng lực lượng, có khi
đành chịu mất đất để bảo toàn sinh lực, kiên trì xây dựng căn cứ địa ở nông
thôn, mở rộng chiến tranh du kích ở vùng sau lưng đối phương. Nhờ phương châm
đó, nên khi đối phương tạm thời giành thắng lợi, nhân dân Việt Nam vẫn giữ vững
niềm tin và trong hoàn cảnh khó khăn, toàn dân đã tỏ ra một tinh thần chịu đựng
gian khổ, khắc phục khó khăn rất cao.
Cuộc
kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược được chia ra làm ba giai
đoạn. Trong giai đoạn đầu, đối phương mạnh, kháng chiến còn yếu, do vậy, nhiệm
vụ căn bản là bảo toàn lực lượng, giữ vững căn cứ địa, tiêu hao một phần sinh
lực của đối phương để tạo điều kiện chuyển sang giai đoạn sau.
Ở giai
đoạn thứ hai, lực lượng của dần dần lớn mạnh, lực lượng của đối phương dần suy
yếu, tạo nên hình thái hai bên tham chiến ở thế giằng co. Đây là giai đoạn gay
go, gian khổ và quyết liệt. Cũng chính trong giai đoạn này, lực lượng của kháng
chiến chuyển từ yếu sang mạnh, có đủ điều kiện để bước sang giai đoạn thứ ba.
Đến
giai đoạn thứ ba, thế và lực của kháng chiến dần mạnh hơn đối phương, trước
tiên là trong phạm vi cục bộ, sau đó là trong phạm vi toàn cục. Khi các điều
kiện khách quan, chủ quan chín muồi, nhân dân Việt Nam chuyển sang phản công,
lúc đầu với quy mô nhỏ, sau càng lớn, giành thế áp đảo và cuối cùng là tiêu
diệt quân thù.
Như
vậy, thực hiện phương châm kháng chiến lâu dài, sau một thời gian chiến đấu để
tiêu hao và ngăn chặn đối phương, quân đội nhân dân Việt Nam đã từ các thành
thị chuyển về nông thôn, để bảo toàn lực lượng, giữ vững căn cứ địa nông thôn,
tiếp tục kháng chiến. Sau khi cuộc tấn công của đối phương lên Việt Bắc bị thất
bại, hình thái cầm cự dần dần xuất hiện, Việt Nam chủ trương phát động rộng rãi
chiến tranh du kích. Từ năm 1950 trở đi, Việt Nam liên tiếp mở những chiến dịch
có tính chất phản công cục bộ, giành quyền chủ động trên chiến trường miền Nam.
Quá trình từ chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947, rồi chiến dịch Biên giới cuối
năm 1950 đến chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện
Biên Phủ là những mốc lịch sử vẻ vang, những đòn phản công và tiến công tạo
chuyển biến chiến lược, kết thúc thắng lợi kháng chiến.
Có thể
khẳng định rằng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng CSVN đã
đánh giá đúng những tình thế cách mạng, lực lượng so sánh giữa hai bên tham
chiến trong các bước ngoặt của chiến tranh theo quan điểm của chiến tranh cách
mạng, chứ không phải từ quan điểm quân sự đơn thuần, quan điểm chiến tranh
thông thường bằng quân đội chính quy. Từ đó, Đảng CSVN đã có những quyết định
rất chính xác mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, triển khai cuộc kháng
chiến toàn quốc và điều khiển kháng chiến đi đến thắng lợi, giải phóng một nửa
đất nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một nước
nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu về nhiều mặt, phải chống lại Mỹ là nước có số dân đông
mấy trăm triệu người, có tiềm lực kinh tế, quốc phòng to lớn, có nền khoa học –
kỹ thuật hiện đại vào bậc nhất trên thế giới, lại là một siêu cường, do vậy, không thể nhanh chóng đánh bại đối phương, mà
phải dùng cách đánh lâu dài. Đảng CSVN luôn luôn chỉ rõ: "Quy luật của
cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là quy luật của một cuộc chiến tranh
lâu dài… Dựa theo quy luật của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở
nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần tập trung cố gắng, giành thắng lợi càng
sớm càng tốt".
Ta đánh lâu dài để
từng bước khai thác tiềm lực cực kỳ to lớn của nhân dân Việt Nam, tranh thủ sự
ủng hộ của nhân dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hoà bình, chính nghĩa trên thế
giới, nâng cao thế và lực đến khi đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngay
từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã xác định: “Chiến tranh có
thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa”[8].
Trên thực tế, nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ
chống Mỹ kéo dài 21 năm ròng rã.
Trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng miền Nam phải xây dựng lực lượng từ không
đến có, từ nhỏ đến lớn, để đầu năm 1960 tiến hành “đồng khởi” làm rung chuyển
toàn miền Nam, làm tương quan so sánh lực lượng giữa hai bên tham chiến thay
đổi có lợi nhất. Mỹ vội đổ thêm tiền của vào miền Nam Việt Nam, vực quân Nguỵ,
tiến hành “chiến tranh đặc biệt”. Lúc này, Việt Nam tiếp tục củng cố, phát
triển lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh “địch ta xen kẽ nhau”, đẩy chiến
tranh nhân dân lên một bước cho phù hợp những biến chuyển của tình hình. Cuối
năm 1963, Chính quyền Diệm đổ, “chiến tranh đặc biệt” trên đà phá sản, Mỹ điều
chỉnh kế hoạch, tăng tiền của, vũ khí, cố vấn Mỹ vào chiến trường miền Nam, mở
rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, song không tránh khỏi
thất bại nặng nề. Sau khi “chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ tiếp tục đưa ra
và đẩy mạnh các loại hình chiến tranh, đồng thời không ngần ngại tăng thêm sức
mạnh vật chất cho quân đội Sài Gòn. Tuy nhiên, với phương châm đánh lâu dài,
vừa đánh, vừa xây dựng lực lượng, càng đánh, càng mạnh, đã làm thất bại tất cả
các loại hình chiến tranh mà đế quốc Mỹ đưa ra.
Cùng với chiến lược đánh
lâu dài, Việt Nam chủ trương tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi từng bước, tiến
đến giành thắng lợi trong một thời gian tương đối ngắn. Để thực hiện mục tiêu
nói trên, cuộc kháng chiến chống Mỹ là sự kết hợp của việc vừa đẩy mạnh chiến
tranh du kích, đánh tiêu hao, đánh tiêu diệt vừa và nhỏ rộng khắp trên toàn
chiến trường với việc phát huy đến mức cao độ cố gắng chủ quan, tận dụng mọi
điều kiện khách quan thuận lợi, khai thác triệt để những khó khăn, sai lầm của đối
phương, giáng những đòn đích đáng, giành thắng lợi to lớn về quân sự, để vào
cuối cuộc chiến tranh, khi có thời cơ, nhân dân Việt Nam đã tập trung toàn lực
“đánh cho Nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại
thắng mùa Xuân 1975 là một bước nhảy vọt của kháng chiến trường kỳ, là kết quả
của cả một quá trình lâu dài huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của cả dân
tộc để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tóm lại,
với phương châm trường kỳ kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã không ngừng củng
cố, xây dựng lực lượng, tranh thủ thời cơ và cuối cùng kết thúc cuộc chiến bằng
thắng lợi của chiến tranh nhân dân.
Như vậy là dân tộc Việt Nam vừa có kinh nghiệm đánh thắng
đối phương trong một thời gian tương đối ngắn, đồng thời lại có truyền thống
kiên trì kháng chiến, có nghệ thuật đánh thắng địch trong những cuộc chiến
tranh lâu dài.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 6, tr. 164.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 4, tr. 485.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 167.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 156.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 23.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 24-25.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 24.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, Sđd, tập 12, tr. 108.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!