Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

TƯ TƯỞNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TRONG 30 NĂM CHIẾN TRANH (1945-1975)



PGS,TS. Hồ Khang
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, cố kết dân tộc là truyền thống bền vững nổi trội, chiếm giữ một vai trò cực kì quan trọng. Đó là sản phẩm của cả một quá trình chung lưng đấu cật, làm ăn sinh sống, chống thiên tai và ngoại xâm của nhân dân Việt Nam. Đó vừa là kết quả, vừa là động lực của sự hình thành, lớn mạnh của quốc gia, dân tộc Việt Nam trong trường kỳ lịch sử. Sẽ không thể hình dung là lý giải đầy đủ sức sống bền bỉ, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam nếu không đề cập tới cố kết dân tộc với tư cách là một trong những giá trị truyền thống của văn hoá dựng nước và giữ nước Việt Nam.

Nằm ở phía đông của bán đảo Đông Dương, Việt Nam là đất nước thuộc miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cũng lắm mà khắc nghiệt, tai ương cũng nhiều. Nhưng nhiều hơn những cái nhiều đấy là thử thách nghiệt ngã đe dọa sự tồn vong của giống nòi, dân tộc do nạn xâm lăng thường trực của các thế lực từ bên ngoài gây nên. Chính vì lẽ đó, tư thế chung của người Việt Nam trong lịch sử là phải sớm cố kết lại và phải luôn luôn tăng cường sự cố kết để có đủ sức mạnh đương đầu, chống trả với thiên nhiên và giặc dã, gìn giữ cuộc sống bình yên.
Từ buổi đầu dựng nước, do nhu cầu tồn tại và phát triển, các bộ tộc thuộc giống nòi Lạc Việt sinh sống trên cùng một địa vực khác nhau sớm cố kết lại, găn bó với nhau trong một lợi ích chung. Sự gắn bó này đã dẫn đến việc ra đời nhà nước sơ khai có tên là Văn Lang. Cùng với quá trình ra đời của nhà nước Văn Lang rồi Âu Lạc, sự cố kết trong nội bộ các bộ tộc Việt cổ đã thực sự trở nên bền chặt, ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc trùm lên ý thức bộ tộc, đã hình thành. Đấy chính là lõi cốt của lòng yêu nước, văn hoá Việt Nam - điều kiện quan trọng bậc nhất để Việt Nam có đủ bản lĩnh, sức sống  và sức mạnh vượt qua bao thử thách nghiệt ngã và khốc liệt của hơn nghìn năm đô hộ và đồng hoá của phương Bắc, giành lại chủ quyền, tiến lên xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền…
Tính cố kết cộng đồng đó của dân tộc Việt Nam mạnh mẽ đến nỗi toả bóng xuống cả tôn giáo, tín ngưỡng, một lĩnh vực rất hay bị chia rẽ và thường bị những kẻ thù của dân tộc lợi dụng. Nói cách khác, truyền thống cố kết dân tộc là nhân tố chi phối mọi mối quan hệ dọc ngang trong xã hội Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Không có một dân tộc nào lại có nhiều thứ đạo cùng tồn tại trong một gia đình, một làng, một xã mà tình cảm làng xóm, láng giềng, anh em họ mạc vẫn thắm thiết, đạm đà như ở Việt Nam, tôn giáo, tĩn ngưỡng là đoàn kết, kính chúa yêu nước, tốt đời đẹp đạo.
Cố kết dân tộc, đoàn kết nhân dân, như đã nói ở trên, là một trong số những nhân tố thường xuyên quyết định sự trường tồn vững mạnh của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Vì thế, kẻ thù của dân tộc, của nhân dân luôn tìm mọi cách và không từ một thủ đoạn nào hòng phá hoại khối đại đoàn kết đó. Trước và trong quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược, chúng thường câu kết, móc nối với một số phần tử, một số thế lực phản động bên trong hòng lung lạc, lôi kéo một bộ phận nhân dân. Trong quá trình thiết lập ách thống trị, chúng thực hành chính sách chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ giữa các miền để dễ bề thống trị, thậm chí, chúng còn thi hành nhiều biện pháp đồng hoá tàn bạo hòng xoá bỏ nền văn hoá của dân tộc Việt Nam, qua đó triệt phá tận gốc ý thức dân tộc và ý chí tự cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam.    
Lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã thêm một lần nữa chứng kiếm sức mạnh chưa từng có của lòng yêu nước, khối đoàn kết thống nhất muôn người như một, cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc, quyết chiến quyết thắng của con Lạc cháu Hồng trong cuộc chiến tranh 30 năm (1945-1975) vì độc lập thống nhất Tổ quốc, vì ruộng cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những cuộc chiến tranh vĩ đại nhất, kể từ thời các vua Hùng dựng nước, chiến thắng những thế lực xâm lược lớn mạnh Pháp và Mỹ, những nước đế quốc có bộ máy chiến tranh hiện đại, to lớn.
Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên sức mạnh mới của tất cả những người Việt Nam yêu nước, yêu độc lập, tự do, không phân biệt gái trai, trẻ già, giàu nghèo, nghề nghiệp, tín ngưỡng, dân tộc… dựa trên nền tảng vững chắc là liên minh công nông và trì thức, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là chất mới của truyền thống có kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đoàn kết thống nhất và tạo nên sức mạnh to lớn như trong cuộc chiến tranh 30 năm, cuộc chiến tranh thực sự toàn dân toàn diện. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Việt Nam gắn liền được sức mạnh của mình với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh mới quyết định thắng lợi trong cuộc chiến tranh đánh bại những thế lực xâm lược lớn mạnh.
Thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược hòng khôi phục chế độ thống trị thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương; đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm lược và thống trị miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới, dùng không quan và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm huỷ diệt những giá trị văn hoá và thành quả lao động của nhân dân Việt Nam…, đều là những cuộc chiến tranh phi nghĩa, chà đạp lên “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1] của các dân tộc Việt Nam, Lào, Cămpuchia, đi ngược lại xu thế phát triển của nhân loại.
Đoàn kết cộng đồng đánh giặc, cứu nước thành công trước hết phải dương cao ngọn cờ chính nghĩa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhằm cứu Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập vừa giành được trong Cách mạng Tháng Tám; tiếp đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc hoàn thành độc lập, thống nhất đất nước là sự nghiệp chính nghĩa, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”. Chiến tranh chính nghĩa, chống xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đem lại ruộng đất và quyền làm chủ cho dân cày tiến lên chủ nghĩa xã hội là động lực cơ bản có sức cuốn hút mạnh mẽ và tập hợp lực lượng rộng lớn – toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tạo nên khối đoàn kết thống nhất toàn dân theo con đường cứu nước, cứu nhà. Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng đáp ứng quyền lợi cơ bản của nhân dân, từng bước thực hiện hoá khát vọng lâu đời của toàn dân tộc, cùng nhiều hình thức tổ chức phù hợp đã phát huy được sức mạnh của toàn dân kháng chiến và kiến quốc, không ngừng củng cố và phát triển khối “đại đoàn kết” toàn dân, dẫn đến “đại thành công” trong cuộc chiến đấu quyết liệt với những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất. Hồ Chí Minh là hiện thân của đường lối đoàn kết toàn dân đầy chất nhân văn và trí tuệ đó.
Hồ Chí Minh là linh hồn của khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp kháng chiến, xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh đề ra nhiều hình thức tập hợp và tổ chức quần chúng rất đa dạng, phong phú trong Mặt trận dân tộc thống nhất, trong các đoàn thể, các hội quần chúng nhằm thu hút thật đông đảo người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước, cứu nhà. Người đã tập hợp được những người tài đức trong cả nước cùng tham gia gánh vác việc chung, mời các nhà chí sĩ cách mạng, nhiều vị quan to của triều đình Huế trước đó ra đảm đương việc nước. Quy tụ về với cách mạng và kháng chiến có biết bao nhân sĩ, trí thức yêu nước có tên tuổi. Nhiều trí thức người Việt có tài năng ở nước ngoài đã về nước cùng toàn dân tham gia kháng chiến, kiến quốc. Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng CSVN  đã tạo ra và hình thành nhiều hình thức tổ chức để tập hợp quần chúng phù hợp với lứa tuổi, giới, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo; đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng và chiến tranh.
Sau cách mạng Tháng Tám 1945, trước nguy cơ thù trong, giặc ngoài, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Hồ Chí Minh đã đề ra và thực hiện chủ trương nhất quán là thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài, lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, tăng cường thực lực cách mạng trên cơ sở dựa chắc vào khối đại đoàn kết toàn dân được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Khẩu hiệu: “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, “Tập trung ngọn lửa đấu tranh vào thực dân Pháp xâm lược”… đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, kể cả các “quan đại thần” cũ, nhà tư sản, địa chủ yêu nước, nhân sĩ và trí thức tiến bộ. Thông qua các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh tuyên truyền và vận động quần chúng tự nguyện, hăng hái tham gia các phong trào sản xuất, cứu đói, hũ gạo tiết kiệm, tuần lễ vàng, bình dân học vụ… Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua  cuộc Tổng tuyển cử lịch sử đầu tiên bầu Quốc hội, xây dựng Hiến pháp mới. Chính quyền nhân dân ra đời trong Cách mạng Tháng Tám là của dân, gắn bó với dân , thực hiện chức năng chính là động viên và tổ chức toàn dân đem hết tinh thần và lực lượng bảo vệ sự nghiệp cách mạng, kháng chiến, kiến quốc. Tiếp đó, để mở rộng hơn nữa khối đoàn kết toàn dân, phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Đảng chủ trương vận động thành lập Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, ngày 29/5/1946). Cương lĩnh của Hội nêu rõ mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường.
Mặt trận Việt Minh là thành phần tích cực của Hội Liên Việt, tập hợp những thành phần cơ bản cảu xã hội (công nhân, nông dân, trí thức…), làm cơ sỏ cho Hội Liên Việt. Nhiều đoàn thể được thành lập như Hội Công nhân cứu quốc, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Việt Nam công giáo cứu quốc hội, Phật giáo cứu quốc hội, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội… Chính sách đoàn kết được Đảng đề ra trong kháng chiến rất rộng rãi. Bên ngoài, liên hiệp với nhân dân Pháp, đoàn kết với nhân dân Lào, Campuchia, thân thiện với các dân tộc yêu chuộng hoà bình, tự do. Ở trong nước, thực hiện đoàn kết chặt chẽ toàn dân, bảo vệ dân, được lòng dân. Cơ quan chỉ đạo của Hội Liên Việt là “Uỷ ban liên hiệp quốc dân ủng hộ kháng chiến toàn quốc” có nhiệm vụ hiệu triệu, cổ vũ quân  và dân cả nước, làm cho cuộc kháng chiến “thật là của toàn dân”; tích cực vận động và tổ chức các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện mỗi vùng, mỗi người… Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi, tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã tổng kết chặng đường 20 năm lãnh đạo cách mạng làm cơ sở cho việc đề ra những chủ trương, chính sách mới, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất. Đại hội tiếp tục khẳng định nhiệm vụ đoàn kết tất cả mọi đảng phái, đoàn thể, mọi thân sĩ yêu nước, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ để cùng nhau kháng chiến, kiên quốc.
Theo chủ trương của Đảng, Mặt trận Việt Minh thống nhất với Liên Việt láy tên là Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt). Chính cương của Mặt trận nêu rõ: đoàn kết các tầng lớp nhân dân, lấy công nông là nền tảng để kháng chiến, kiến quốc, vừa kháng chiến vừa cải thiện dân sinh, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế đúng đắn, gắn cuộc kháng chiến của Việt Nam với phong trào bảo vê hoà bình thế giới.
Kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc thắng lợi. Mặt trận đoàn kết toàn dân có bước phát triển mới, với nhiệm vụ mới là động viên và tổ chức toàn dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trước âm mưu của đế quốc Mỹ hòng xâm lược, chia rẽ dân tộc, chia cắt đất nước Việt Nam, Hồ Chí Minh một lần nữa “thiết tha kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã theo ai, chúng tra hãy thật thà cộng tác, vì dân, vì nước mà phấn đấu để thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”[2]. Do nhiệm vụ chung của cả nước và nhiệm vụ của mỗi miền có sự thay đổi, Đảng chủ trương, ở miền Nam dần dần phải hình thành một mặt trận rộng rãi tập hợp lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình. Trên miền Bắc, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9/1955). Mặt trận ra tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, kêu gọi mọi người Việt Nam không phân biệt gái trai, già trẻ, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào, nhưng ngày nay tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ hãy xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ, cứu nước.
Sự kiện tiêu biểu, có ý nghĩa như một “Hội nghị Diên Hồng” trong thời đại mới, biểu thị ý chí mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết và thống nhất hành động của toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập (27/3/1964). Tại Hội nghị, đại biểu các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ yêu nước, những người tiêu biểu cho các giới, các ngành, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài… đã thay mặt toàn dân cùng nhau dân chủ bàn việc nước. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng hai”, phong trào kết nghĩa Bắc – Nam được toàn dân hưởng ứng sôi nổi. Nhiều khẩu hiệu hành động, nhiều phong trào thi đua có sức động viên, tập hợp rộng rãi các lực lượng, các ngành nghề, lứa tuổi trong mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác đã xuất hiện và phát triển sâu rộng ở khắp các địa phương. Công nhân bám xưởng, bám máy, “tay búa, tay súng”. Nông dân ngày đêm bám ruộng đồng, “tay cày, tay súng”, hăng hái góp người, góp của cho kháng chiến. “thóc thừa cân, quân thừa người”. Thanh niên nam nữ nô nức lên đường trong phong trào “ba sẵn sàng”, “năm xung phong”; phụ nữ “ba đảm đang”; trí thức có phong trào “ba quyết tâm”; các cụ phụ lão thi đua “ba giỏi”; thiếu niên nhi đồng làm “nghìn việc tốt”, các bà mẹ, các chị hăng hái tham gia “Hội mẹ chiến sĩ”, động viên con em lên đường đánh giặc… Có thể nói, tất cả các lực lượng, các địa phương, các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ nông thôn đến thành thị, từ nhà máy đến ruộng đồng… đều có khẩu hiệu tập hợp, đều có phong trào hành động.
Ở miền Nam, hình thức tập hợp lực lượng phát triển vô cùng đa dạng, phong phú. Tháng 12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, ra lời kêu gọi “tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu…”. Với cương lĩnh đúng đắn, chương trình hành động thiết thực, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhanh chóng tập hợp các tổ chức chính trị, xã hội, đảng phái, tôn giáo như Hội lao động giải phóng, Hội liên hiệp sinh viên - học sinh, Hội các nhà giáo yêu nước, Hội phụ nữ giải phóng, Hội những người công giáo kính Chúa yêu nước, Hội lục hoà phật tử miền Nam, Đảng Xã hội cấp tiến của trí thức yêu nước, Đảng Dân chủ miền Nam của tư sản dân tộc… Để mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, Mặt trận chủ trương thành lập một chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, cải thiện dân sinh, giữ vững hoà bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Mặt trận công bố “bốn chủ trương cứu nước khẩn cấp[3] nhằm tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi nhất, sẵn sàng bắt tay với tất cả những ai, dù chưa tán thành Cương lĩnh của Mặt trận nhưng tán thành chống Mỹ, cứu nước.
Khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, Mặt trận công bố Cương lĩnh mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn nữa những tầng lớp và cá nhân có khuynh hưóng hoà bình, trung lập, cô lập triệt để Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cươg lĩnh của Mặt trận được Hồ Chí Minh đánh giá là “ngọn cờ đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”. Tháng 4/1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam ra đời, đoàn kết và tranh thủ thêm một số tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở các thành thị và một số người có xu hướng chính trị hoà bình, trung lập, nhưng chưa tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động tích cực của Liên minh “là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước[4].
Kháng chiến càng phát triển, các hình thức tập hợp lực lượng càng phải được mở rộng. Nhìn lại các giai đoạn phát triển của 30 năm chiến tranh giải phóng có thể thấy, khi nào giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp thì khối đoàn kết dân tộc được mở rộng, vững chắc, cách mạng phát triển thuận lợi; ngược lại, sẽ khó khăn, vấp váp, thậm chí thất bại. Thực chất mối quan hệ này là không ngừng mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết thống nhất của toàn dân trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, truyền thống với hiện đại, luôn luôn bổ sung và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Việc đoàn kết giữa các thành phần, lực lượng trong Mặt trận, đoàn thể, trong các tổ chức quần chúng phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, thành thật, lâu dài, thống nhất hành động, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Điểm quy tụ, đoàn kết các lực lượng kháng chiến là mục tiêu chung của đường lối kháng chiến đúng đắn. Quá trình lãnh đạo kháng chiến, Đảng phải đấu tranh, khắc phục những nhận thức và việc làm sau trái, lệch lạc như hẹp hòi, định kiến coi đoàn kết chỉ là tạm thời, là sách lược; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, vô nguyên tắc. Cần nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng và tăng cường sức mạnh đoàn kết thống nhất của khối liên minh công nông, trí thức làm nòng cốt, coi đây là điều kiện tiên quyết để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Khắc phục khuynh hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp vai trò của công nông; đồng thời đấu tranh với những biểu hiện cứng nhắc hẹp hòi, chỉ dựa vào Mặt trận để có danh nghĩa, thực chất là vô hiệu hoá, làm cho Mặt trận và các đoàn thể chỉ mang một nội dung và màu sắc thuần tuý công nông. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, của Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng không chỉ ở chỗ có lực lượng đông đảo và giữ được bản chất công nông mà còn thể hiện ở việc đề ra và thực hiện thành công những sách lược mềm dẻo, linh hoạt nhằm tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ, trung lập những lực lượng có thể trung lập, phân hoá và cô lập triệt để những tên đầu sỏ, ngoan cố nhất trong hàng ngũ địch.
Nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, thực thà đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc, Đảng CSVN, nhân dân Việt Nam thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của những người thuộc tầng lớp trên, cả vua, quan, tư sản, địa chủ yêu nước, những chức sắc có uy tín trong các tôn giáo, những người lầm đường hoặc bị cưỡng bức theo địch…Binh vận trở thành mũi đấu tranh sắc bén, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, hình thành phương châm chỉ đạo, phương thức đấu tranh toàn diện rộng khắp, rất có hiệu lực của cuộc kháng chiến toàn dân là “hai chân, ba mũi”, “ba vùng”. Cùng với những thắng lợi quân sự trên chiến trường, mũi tiến công vào hàng ngũ địch đã phân hoá lực lượng, làm suy giảm ý chí của đội quân xâm lược, góp phần tăng cường thế và lực cho cách mạng.
Đồng bào và chiến sĩ miền Nam đứng trên tuyến đầu Tổ quốc, xuyên suốt cuộc kháng chiến mười ngàn ngày, luôn đấu tranh một mất một còn với kẻ thù hung bạo, hiểm nguy không lùi bước, “uy vũ chẳng chuyển lay”. Đồng bào miền Nam từng chịu đựng những khó khăn, tổn thất, hy sinh không bờ bến, trước sau một lòng một dạ trung thành với cách mạng, hướng về miền Bắc thân yêu, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến trường kỳ, tiêu biểu cho ý chí quật cường và quyết tâm sắt đá vì độc lập tự do, vì thống nhất nước nhà. Là người mở đầu cuộc trường chinh tự giải phóng của dân tộc, triệu triệu con em thành đồng tổ quốc nêu cao tấm gương rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà lịch sử đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ.
Sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng có vai trò quyết định trong quá trình tập hợp, phát huy hiệu lực của khối đại đoàn kết toàn dân, hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cơ bản. Hiệu lực hoạt động của các tổ chức này gắn liền với quá trình xây dựng, phát huy tính ưu việt của chế độ mới, với việc phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Mọi chính sách, chế độ, quy định của Đảng và Nhà nước đều phải thực hiện trên cơ sở vận động, giáo dục để trở thành hoạt động tự giác của đông đảo quần chúng. Mặt trận, các đoàn thể vừa là nơi tập hợp, vừa là nơi quần chúng thực hiện quyền làm chủ của mình. Hồ Chí Minh đã nói: dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ thù không thể nào tiêu diệt được.
Cuộc cách mạng và kháng chiến của nhân dân Việt Nam luôn luôn chịu sự tác động của tình hình thế giới, của các mối quan hệ quốc tế và của khu vực. Do đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: kiên trì đoàn kết quốc tế, đồng thời nêu cao tinh thần độc lập tự chủ. Đây là một nhân tố quyết định thành công trên mặt trận đối ngoại. Trong những năm chiến tranh, Đảng CSVN chủ trương trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện cho được sự đoàn kết liên minh với các lực lượng cách mạng của thời đại, phải chăm lo vun đắp và phát triển sự đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết với Liên Xô, Trung Quốc, lấy đó làm cơ sở, làm hạt nhân để mở rộng đoàn kết với tất cả những người cộng sản, những lực lượng cách mạng, hoà bình, dân chủ và tiến bộ khác trên thế giới. Một nội dung cơ bản của chiến lược đối ngoại của Việt Nam là: phát huy truyền thống hoà hiếu của dân tộc, nắm vững và giương ngọn cờ hoà bình, thêm bạn bớt thù, phân hoá, cô lập kẻ thù chủ yếu. Mục tiêu nhất quán từ xa xưa cho đến nay và mai sau của hoạt động đối ngoại của Việt Nam là: kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, sẵn sàng là bạn của các nước trong cộng đồng quốc tế, không gây thù oán với ai.
Thực hiện chính sách thêm bạn bớt thù, Đảng CSVN và nhân dân Việt Nam luôn chú ý và khôn khéo lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch, tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ, phân hoá và cô lập kẻ thù chủ yếu để đánh thắng chúng. Đây là một nguyên tắc chiến lược của cách mạng và chiến tranh cách mạng chứ không chỉ là vấn đề sách lược. Trong những năm tháng đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đất nước có nhiều thù trong giặc ngoài, phân rõ kẻ thù chủ yếu là thực dân Pháp để tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ, trong quá trình thực hiện đường lối kháng chiến, Đảng CSVN có nhiều chủ trương biện pháp khéo léo nhằm khoét sâu và lợi dụng mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ với các đế quốc đồng minh của họ, giữa phái chủ chiến và phái chủ hoà, giữa các tập đoàn tư bản có lợi ích khác nhau trong giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ với các nước phụ thuộc, giữa Mỹ với chính quyền Sài Gòn, giữa nhà cầm quyền Mỹ với nhân dân Mỹ. Khẩu hiệu là: “đoàn kết với bất cứ người nào có thể đoàn kết được, tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, trung lập bất cứ người nào có thể trung lập cốt nhằm phân hoá kẻ thù đến cao độ và cô lập chúng, đồng thời kiếm thêm nhiều bạn cả trong nước và ngoài nước”[5].
Việt Nam đã đẩy mạnh vận động tuyên truyền quốc tế  xoay vào ba nội dung chính: chính nghĩa, quyết tâm và tất thắng, thiện chí hoà bình. Chính sách yêu chuộng hoà bình, công lý, việc làm nhân nghĩa và cuộc chiến đấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã thức tỉnh lương tâm nhân dân hai nước Pháp và Mỹ, góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến rộng lớn và mạnh mẽ không chỉ ở Mỹ mà trên phạm vi thế giới. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh đã bùng nổ dữ dội, lan rộng chưa từng có, làm lay chuyển cả nước Mỹ. Nhiều cuộc biểu tình, diễu hành, hội thảo được tổ chức ở 120 thành phố, với sự tham gia của 2.000 trường học, hàng trăm tờ báo phản chiến và hơn 200 tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ làm rung động Nhà Trắng. Thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, cựu binh vứt bỏ huân chương để phản đối chính phủ. Chiến sĩ hoà bình Nôman Môrixơn tự thiêu trước cửa sổ Lầu Năm Góc…Oantơ Lýpman, nhà bình luận chính trị nổi tiếng nước Mỹ hồi đó nhận xét “lương tâm người Mỹ nổi giận…Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh không được lòng nhiều người Mỹ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”. Trên thế giới, Hội nghị 50 nước trong phong trào không liên kết họp ở Gioóc-giơ-tao (1972) lên án cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam. Các tổ chức ho bình , Toà án quốc tế Béctơrăng Rútxen, Giáo hoàng, nhiều nhà khoa học nổi tiếng… xét xử tội ác, lên án và phản đối Mỹ…
Đảng CSNV, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã huy động mọi lực lượng, kết hợp nhiều phương thức đấu tranh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và phát huy sức mạnh của nghệ thuật đấu tranh ngoại giao. Trong những năm chiến tranh, để đạt hiệu quả tối da trong hoạt động đối ngoại và đấu tranh ngoại giao theo quy luật phát triển từ thấp đến cao, từ nông đến sâu, chủ động tích cực, linh hoạt sử dụng nhiều hình thức tổ chức, nhiều phương thức đấu tranh, huy động nhiều lực lượng tham gia, phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đảng CSVN đặc biệt coi trọng tăng cường quan hệ đoàn kết với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ; đoàn kết với các đảng khác trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, gắn bó mật thiết với Đảng Cộng sản Pháp cùng nhiều đảng anh em khác và sau này là các tổ chức cộng sản ở Mỹ. Trong tình hình hai nước Liên Xô và Trung Quốc bất hoà gay gắt, Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn luôn cảnh giác đối với âm mưu gây chia rẽ của địch, xử lý rất khôn khéo, “có lý có tình” mối quan hệ giữa ta với Liên Xô, Trung Quốc nhằm hạn chết đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của sự bất hoà này.
Việt Nam tăng cường mối quan hệ nhà nước với chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa, hầu hết các nước độc lập dân tộc, các nước trong phong trào không liên kết và các nước khác có quan hệ ngoại giao chính thức hoặc bán chính thức với Việt Nam. Do vậy, đã phát huy thanh thế của lực lượng kháng chiến, nâng cao uy tín của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam, làm cho các nước trên thế giới `ngày càng hiểu rõ đường lối chính sách của Việt Nam, đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to lớn cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Trong việc tăng cường đoàn kết quốc tế, phải khẳng định rằng, đoàn kết với Lào và Campuchia góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam, đoàn kết ba nước Đông Dương đảm bảo sự thắng lợi của mỗi nước, bởi “môi hở, răng lạnh”. Sau khi thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã triển khai các chủ trương chiến lược liên quan chặt chẽ với nhau, cùng một lúc xâm lược cả ba nước Đông Dương với các biện pháp chiến lược khác nhau, lợi dụng triệt đề vấn đề tôn giáo, dân tộc, dùng lãnh thổ nước này làm bàn đạp uy hiếp, xâm lược nước khác. Sớm nhận ra những ý đồ của Mỹ, Đảng CSVN chủ trương giương cao ngọn cờ của Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống quý báu trong kháng chiến chống Pháp của ba dân tộc; kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp đoàn kết, liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia theo nguyên tắc luôn luôn tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, đồng thời giữ vững tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam, cùng nhau đoàn kết, liên minh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia cho cả ba dân tộc. Từ thực tế liên minh ba nước, có thể rút ra kinh nghiệm lớn về chỉ đạo và tổ chức thực hiện : một mặt, phải kiên trì, nhất quán đoàn kết, liên minh với Lào, với Campuchia, mà trước hết là đoàn kết với nhân dân hai nước; nhưng mặt khác, phải biết lực chọn những hình thức, nội dung phù hợp theo từng giai đoạn đối với từng lực lượng, của từng nước khác nhau trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của bạn, đồng thời giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Thực tiễn chiến tranh ở cả ba nước, ở các chiến trường cho phép khẳng định: phát huy sức mạnh đoàn kết liên minh, tạo ra thế chiến lược tiến công chung đánh địch ở cả ba nước, miền Nam Việt Nam vừa là chiến trường, vừa là hậu phương lớn của các chiến trường là những nội dung lớn trong chỉ đạo chiến tranh. Vấn đề xuyên suốt có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp đoàn kết, liên minh mà sớm chủ trương và thường xuyên nắm vững trong quá trình thực hiện là luôn luôn quán triệt điều Bác Hồ đã dạy trong đoàn kết, liên minh chống Pháp “giúp bạn là tự giúp mình”, nêu cao chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đấu tranh phong chống mọi tư tưởng nước lớn, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Trong lịch sử chiến tranh cách mạng thế giới trước đây, mới có Liên Xô năm 1945 giải phóng cho mình, đồng thời giải phóng cho một số nước khác; thì đến nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, do biết thực hiện đoàn kết liên minh với Lào, Campuchia, mà trước hết là đoàn kết với nhân dân hai nước nên không những tự giải phóng mình mà còn góp phần quan trọng giúp hai nước láng giềng anh em cùng giành thắng lợi trọn vẹn. Công cuộc đoàn kết, liên minh với Lào, với Campuchia đã góp phần đem lại thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù xâm lược chung của ba nước Đông Dương để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Con đường mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho nhân dân Việt Nam đầy chông gai, nhưng cũng chính là con đường đem đến độc lập, tự đo, hạnh phúc, đem đến một cuộc sống ấm no hạnh phúc, đem đến sự thống nhất cho đất nước. Đi hết con đường đó đòi hỏi sự đoàn kết của tất cả người dân thuộc mọi tầng lớp, tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Do vậy, phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, thực hiện tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” là kinh nghiệm lớn trong 30 năm chiến tranh giải phóng, là vấn đề có ý nghĩa thời sự trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hơn lúc nào hết, đoàn kết, thống nhất dân tộc hiện nay phải được thực hiện trên cơ sở kiên định độc lập dân tộc, nắm vững mục tiêu chung là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ,sáng tạo; đồng thời mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kinh nghiệm xương máu của 30 năm lãnh đạo chiến tranh trong tình hình mới, trong thời cơ và vận hội mới của đất nước và của thời đại. Đây cũng là quy luật khách quan của thời đại khi xu thế quốc tế hoá đời sống của các quốc gia dân tộc trên hành tinh đang phát triển.  

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4,tr.1
[2] Văn kiện lịch sử Đảng, Học viện cao cấp Nguyễn ái Quốc, t.8, tr.182
[3] Bốn chủ trương cứu nước khẩn cấp do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đề ra tháng 7/1962:
-          Chính phủ Mỹ phải đình chỉ chính sách và hành vi xâm lựơc vũ trang vào miền Nam Việt Nam.
-          Các phái hữu đình chỉ chiến tranh, lập lại hoà bình.
-          Tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu Quốc hội.
-          Thi hành chính sách hoà bình trung lập.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12, tr.448.
[5] Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb Sự thật, HN, 1985, t.1, tr.75-76

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!