Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

LỊCH SỬ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ (1945-1975) TRÊN TẠP CHÍ LỊCH SỬ QUÂN SỰ – THÀNH TỰU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC CẦN TIẾP TỤC KHAI THÁC



PGS,TS. Hồ Khang
1. Dẫn nhập
Là tạp chí khoa học chuyên ngành lịch sử quân sự, 30 năm qua, kể từ số đầu tiên ra đời cho đến hôm nay, có thể thấy, Tạp chí lịch sử quân sự là một diễn đàn khoa học có uy tín chẳng những ở trong nước, mà cả ở nước ngoài không chỉ đối với giới nghiên cứu, mà còn đối với đông đảo bạn đọc. 30 năm qua, đã có hàng vạn bài báo khoa học về lịch sử quân sự, bao gồm trong đó lịch sử quân sự Việt Nam đã được công bố trên diễn đàn khoa học uy tín này. Và dễ dàng nhận thấy những nghiên cứu thuộc về hoặc liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) chiếm một tỷ lệ tương đối lớn.
Nhìn tổng thế, từ khi Tạp chí ra đời cho đến nay, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử đã không ngừng tìm tòi, tiếp cận, khai thác tư liệu từ nhiều nguồn có độ tin cậy cả trong nước và nước ngoài; từ đó, làm rõ nhiều chiều cạnh khác nhau, công bố nhiều chuyên luận sử học, trao đổi, thẩm định, thống nhất và làm sáng tỏ nhiều sự kiện, tư liệu, số liệu lịch sử của hai cuộc kháng chiến, tái hiện tương đối đầy đủ, toàn diện các sự kiện lịch sử trọng đại. Nhưng mặt khác, không thể không thừa nhận rằng, trên bình diện khoa học, liên quan tới hai cuộc kháng chiến vẫn còn tồn tại những khoảng trống đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa, để có thể làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử đã và đang gây tranh luận hoặc vốn được coi là “nhạy cảm”. Không chỉ có vậy, những vấn đề đã được nghiên cứu, trong điều kiện những tư liệu mới ngày càng được công bố nhiều hơn, hoặc có khả năng khai thác rộng rãi hơn; đồng thời, bằng những phương pháp tiếp cận mới, hiện đại, liên ngành … cũng cần được tiếp tục lật lại, soi chiếu, đánh giá, nhìn nhận gần hơn, sát hợp hơn với hiện thực lịch sử khách quan, bởi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói, thì: “Lịch sử, nói chính xác hơn, là hiện thực lịch sử chỉ xảy ra một lần, duy nhất và không thể chữa lại, nhưng nhận thức lịch sử cũng như viết sử, có thể làm đi làm lại nhiều lần”[1]. Trên tinh thần ấy, nhìn nhận một cách công bằng, khách quan với những thành tựu 30 năm qua (1982-2012) Tạp chí đã đạt được, nhận chân những vấn đề khoa học còn bỏ ngỏ, hoặc chưa được khai thác đầy đủ, hoặc đã khai thác, song cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn… trong nghiên cứu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là hết sức cần thiết cho sự phát triển của Tạp chí thời gian tới, để Tạp chí xứng tầm là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử quân sự.
2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược– những thành tựu khoa học cơ bản trên Tạp chí  
Trong nghiên cứu lịch sử quân sự, những sự kiện mang tính cột mốc, đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến thường có sức hấp dẫn đối với với giới chính trị, quân sự, sử học. Trên thực tế, với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên Tạp chí, số lượng lớn nhất các bài nghiên cứu tập trung vào các sự kiện nổi bật như Toàn quốc kháng chiến (12-1946), chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ dẫn đến ký kết Hiệp định Geneve, Đồng khởi 1960, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến thắng đường 9 - Nam Lào, cuộc tiến công chiến lược 1972, 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” đưa tới ký kết Hiệp định Paris, Đại thắng Mùa Xuân 1975- kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Điểm chung của các công trình nghiên cứu về những sự kiện nêu trên là ở chỗ các nhà nghiên cứu đã đề cập, phân tích, đánh giá, luận giải tương đối hệ thống và toàn diện bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành ý đồ chiến lược, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, phán đoán, chỉ đạo và chỉ huy tác chiến của các cấp chiến lược, diễn biến chính, ý nghĩa của sự kiện đối với giai đoạn hoặc toàn bộ cuộc chiến, đúc rút những kinh nghiệm lịch sử quan trọng… Bên cạnh đó, với đặc thù của từng sự kiện, các nội dung nghiên cứu được triển khai theo những diện, những hướng chuyên sâu khác nhau. 
Đối với Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, các tác giả đã đi sâu, làm rõ sự đóng góp, vai trò của quân dân Tuyên Quang trong chiến thắng Bình Ca,   Hòn Lau – những chiến thắng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh, pháo binh và dân quân du kích tỉnh Tuyên Quang; mô tả những chiến công của quân dân Bắc Kạn, Thái Nguyên gắn liền với những địa danh Chợ Đồn, Phủ Thông, Chợ Mới… Vai trò, sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Bắc cũng được các nhà nghiên cứu đề cập tới với tư cách là một trong những yếu tố tích cực, quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch. Một điều đặc biệt ở Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947 là sự góp mặt của Pháo binh Sông Lô, một lực lượng pháo binh tuy không hiện đại, không áp đảo về số lượng so với đối phương, song đã biến “sông Lô thành mồ chôn các thủy đội Pháp” bằng những trận đánh đi vào lịch sử: Khoan Bộ, Khe Lau và nhất là trận Đoan Hùng – trận đánh được báo chí, phát thanh của Pháp gọi là “thảm họa Đoan Hùng”; và vì thế, Pháo binh Sông Lô là một trong những chủ đề đặc biệt, được nghiên cứu sâu, từ thành phần, hoạt động quân sự, những nét đặc sắc trong phương án tác chiến, đến hiệu quả tác chiến. Phân tích nguyên nhân thắng lợi của chiến dịch, các nhà nghiên cứu đồng nhất ý kiến, cho rằng, sở dĩ Việt Bắc Thu - Đông 1947 trở thành mốc khởi đầu sự thay đổi trong tương quan lực lượng, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, là bởi Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân, dân Việt Nam xây dựng được thế trận toàn dân đánh giặc trên nền tảng vững chắc của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, triệt phá thế trận áp đảo về quân sự của đối phương. Đây cũng là một bài học thắng lợi được vận dụng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Biên giới 1950 với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó, thể hiện rõ sự chủ động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quyết định bắt đầu chiến dịch và trong các hoạt động quân sự trên chiến trường, vì thế, những vấn đề nổi bật trong chiến dịch như công tác tham mưu, sự chỉ đạo chiến dịch, nghệ thuật phối hợp chiến đấu, hoạt động nghi binh, nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, công tác tổ chức bảm đảo hậu cần cho tác chiến… được các tác giả nghiên cứu khá kỹ lưỡng, sâu sắc. Trong đa số bài viết, các tác giả đều cho rằng, tính chủ động thể hiện rõ nét qua việc chuẩn bị lực lượng mọi mặt kỹ càng cho chiến dịch, vấn đề hậu cần, vũ khí được chú trọng, các loại vũ khí được bổ sung, trang bị thống nhất, thuận tiện cho việc sử dụng và tiếp tế đạn dược. Các công việc sửa đường, vận tải, đảm bảo giao thông, liên lạc được chuẩn bị chu tất. Các tác giả cũng đã phát hiện ra một khác biệt của chiến dịch Biên giới so với những hoạt động quân sự trước đó – đó là công tác điều nghiên chiến trường được tiến hành chu toàn, ở mức tốt nhất. Các thông tin về địa hình, địa vật, về số lượng quân định, về bố trí lực lượng, về hậu tại chỗ của đối phương được nắm chính xác, tạo điều kiện lựa chọn kế hoạch tác chiến phù hợp, chuẩn xác, phát huy được thế và lực của mình.
Một trong những nội dung mang giá trị lý luận cao được đúc kết từ chiến dịch Biên giới 1950 là nghệ thuật chiến dịch. Một số bài trên Tạp chí đã tập trung làm rõ hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng địch trong chiến dịch. Bên cạnh đó, nghệ thuật nắm vững phương châm tác chiến, giữ thế chủ động chiến trường, triển khai thế trận, bố trí lực lượng đánh địch tăng viện, chuyển hóa thế trận, xử trí tình huống tập trung… cũng được một số tác giả chỉ ra với tư cách là nguyên nhân căn bản dẫn đến thắng lợi giòn giã của chiến dịch.
Với chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954chiến dịch Điện Biên Phủ, trọng tâm nghiên cứu được đặt vào việc khảo cứu ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng của sự kiện đối với cục diện cách mạng Việt Nam và quốc tế. Là trận quyết chiến chiến lược trước lúc hòa đàm, chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện tài thao lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng sức mạnh Việt Nam, để lại dấu ấn đậm nét trong phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của nghệ thuật quân sự chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đây là một trong những mảng được các nhà nghiên cứu khai thác khá triệt để, kỹ càng. Phân tích cách thức tác chiến, chỉ đạo chiến lược, các nhà nghiên cứu đúc rút hàng loạt những loại hình nghệ thuật quân sự, thể hiện sự lớn mạnh, phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là nghệ thuật tạo thế, tạo lực từ sau chiến dịch Biên giới 1950; nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; nghệ thuật hợp đồng tác chiến, hiệp đồng binh chủng; nghệ thuật vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật vây, lấn kết hợp với đột phá chiến dịch; nghệ thuật thực hiện cách đánh hiểm, phát huy thế mạnh, khoét sâu chỗ yếu của đối phươngNghệ thuật ấy, như các nhà nghiên cứu khẳng định, tiếp tục được phát huy trong cuộc KCCM và tiếp tục giữ nguyên giá trị trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một mảng vấn đề rất đặc thù của chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ được các nhà khoa học phát hiện và chú trọng nghiên cứu là vấn đề đảm bảo hậu cần, đảm bảo kỹ thuật và công tác vận tải phục vụ cuộc tiến công chiến lược với quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài, địa bàn tác chiến ở xa hậu phương. Trên vấn đề này, những nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí tập trung trình bày, nếu bật sự tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị, đảm bảo vũ khí, hậu cần, vận tải; làm rõ vai trò to lớn của nhân dân, của đồng bào các dân tộc, của “dân công hỏa tuyến” trên mặt trận gian khổ này.
Là một trong những cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mới của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, sự kiện “Đồng khởi” được đề cập trong nhiều bài viết đăng tải trên Tạp chí. Các bài viết đó hoặc khảo cứu sâu về từng khía cạnh của cuộc Đồng khởi, hoặc ghi lại các hồi ức của các tướng lĩnh, các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chiến trường thời kỳ này. Cần nói thêm rằng, với những bài viết đề cập đến những trận đánh diễn ra trong phong trào Đồng khởi như trận Hoài Đức-Bắc Ruộng, chiến thắng Tua Hai, khởi nghĩa Trà Bồng, trận Giồng Thị Đam - gò Quản Cung, hay diễn biến trên từng địa bàn cụ thể ở Nam Bộ, Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, khu V… quần chúng nhân dân vùng lên đồng khởi được các nhà nghiên cứu phân tích, mô tả; từ đó, khái quát nét đặc sắc về nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Trong KCCM, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử gây tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Cũng có lẽ hiếm có sự kiện lịch sử nào lại thu hút được sự chú ý, mối quan tâm sâu sắc của giới sử học trong và ngoài nước như sự kiện “Tết Mậu Thân 1968”, bởi cuộc tiến công bất ngờ, táo bạo này hàm chứa trong nó nhiều bài học về nghệ thuật quân sự như nghệ thuật phát hiện và chớp thời cơ chiến lược, nghệ thuật nghi binh, “lừa” địch, nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng, nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu, phương thức, hình thức tiến công… buộc địch đánh theo cách đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và điều đặc biệt hơn cả là cuộc tranh luận xung quanh sự kiện này về sự thành bại, được mất luôn hết sức gay cấn.
Một trong những tâm điểm của sự kiện mà giới khoa học dành nhiều nỗ lực làm sáng tỏ là quá trình hình thành ý đồ tiến công của các cấp chiến lược- một tính toán kỹ lưỡng, bao quát đầy đủ mọi khía cạnh, nhằm buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, kéo đối phương vào thế đánh, đàm trên tinh thần “biết thắng Mỹ vừa với sức ta”. Luận điểm này của các nhà khoa học đã góp phần phản bác lại những ý kiến, quan điểm sai lầm cho rằng, Mậu thân 1968 là một bước đi chủ quan, duy ý chí và Mậu thân đã không hoàn thành mục tiêu chiến lược đặt ra.
 Bên cạnh đó, các tác giả cũng trình bày cụ thể về quá trình chuẩn bị, nghi binh chiến lược của các cơ quan đầu não, các cấp lãnh đạo, chỉ  huy trên chiến trường; quá trình diễn biến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân  miền Nam; về thời điểm các cơ quan chỉ đạo chiến lược chủ trương chuyển hướng tiến công chủ yếu về địa bàn nông thôn và rừng núi. Một hướng nghiên cứu về tác động của đòn tấn công Tết Mậu thân 1968 cả trên chiến trường và ngay giữa lòng nước Mỹ được mở ra với hàng loạt bài của các tác giả tên tuổi. Các bài viết cho thấy rằng, đòn Tết Mậu thân chẳng những ngay từ đầu đã giành được yếu tố bất ngờ, đánh mạnh vào những nỗ lực chiến tranh của Mỹ, mà còn quan trọng ở chỗ Tết Mậu thân 1968 đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chuyển giao gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền Sài Gòn, đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris. Theo như bình luận, đánh giá của đa số tác giả thì bước ngoặt của cuộc KCCM sau Mậu thân 1968 là kết quả sự tác động của yếu tố chính trị, sau yếu tố quân sự. Như vậy, với lao động khoa học nghiêm túc, khai thác và xử lý những tư liệu mới, các tác giả đã làm sâu thêm những nhận thức đã có, nhìn nhận khách quan hơn về những vấn đề xung quanh và bên trong sự kiện “Tết”.
Bên cạnh những vấn đề cơ bản, nổi bật của sự kiện Mậu thân như đã nêu ở trên, các nội dung về tiến công, nổi dậy ở những địa điểm cụ thể như ở thị xã Vĩnh Long, Quảng Đức, Gia Lai, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế, Bến Tre, Sài Gòn- Gia Định…, hay chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, hoạt động quân sự trên chiến trường Khu 9…; hoặc vai trò, sự đóng góp của đặc công - biệt động, tiến công địch vận, chiến công của các đơn vị chủ lực Miềncũng được các tác giả nghiên cứu, phân tích, mô tả và kết quả của các thao tác khoa học ấy góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn những nội dung chính của sự kiện Mậu thân.
Sau Mậu thân 1968, chiến thắng đường 9 – Nam Lào- “một đòn bất ngờ đánh vào chiến lược của Ních-xơn, mở ra khả năng mới đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ"[2] đã được tái hiện khá đầy đủ trên Tạp chí. Các nhà khoa học đã làm sáng tỏ quy mô chiến dịch, vấn đề tác chiến hiệp đồng binh chủng, mục tiêu chiến dịch..., trong đó, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” - một trong ba cuộc tiến công quy mô lớn của đối phương nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược từ gốc, hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược và làm cho lực lượng vũ trang miền Nam suy yếu, không thể tập trung đánh lớn trong mùa khô năm 1971-1972 được các tác giả tập trung nhiều sự chú ý hơn cả.
Thông qua việc phân tích, luận giải về nhiều nội dung khác nhau của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, các nhà khoa học đã đúc rút những kinh nghiệm và bài học về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, nghệ thuật tác chiến chiến dịch và chiến thuật, trong đó nổi bật là sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương trong quá trình thực hiện chiến dịch, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Các tác giả chỉ rõ rằng, với phương thức tác chiến theo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; với sự chủ động, nhạy bén của Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào và BTư lệnh chiến trường Nam Bộ (B2), quân dân miền Nam đã tổ chức và sử dụng lực lượng chiến dịch với các trận đánh diễn ra trên các mũi chiến trường không chỉ có quân chủ lực, mà còn phối hợp nhịp nhàng với địa phương quân, dân quân du kích, không chỉ có lực lượng vũ trang mà cả lực lượng chính trị và binh vận đánh vào hàng ngũ của binh lính địch, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Cùng lúc, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng của Việt Nam và sự phối hợp của Lào đã căng kéo địch mà đánh, đánh phản công và đánh cả vào hậu cứ, sào huyệt của địch, gây cho địch rối loạn, bị động lúng túng đối phó, phá vỡ ý định tấn công, tạo thế và lực giành và giữ quyền chủ động chiến dịch. Các tác giả cũng khẳng định rằng, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Lào đã có nhiều đóng góp to lớn. Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào thật sự là thắng lợi chung của quân và dân hai nước, thắng lợi của tình đoàn kết Việt - Lào, góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn. 
Một trong những dấu mốc lịch sử quan trọng, làm thay đổi cơ bản cục diện cuộc KCCM là cuộc Tổng phản công chiến lược 1972 với mục tiêu “nắm lấy thời cơ lớn, quật địch những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước”[3], nhằm tạo ra một bước chuyển biến căn bản, tiến lên làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh ở miền Nam và cả Đông Dương. Trên thực tế, với sự nỗ lực, cố gắng cao độ của quân và dân miền Nam trên chiến trường, Tổng phản công chiến lược 1972 đã giành thắng lợi to lớn trên khắp chiến trường miền Nam, khiến “quân ngụy miền Nam bị tổn thất rất nặng, suy yếu nghiêm trọng, đang ở thế bị động đối phó”[4]. Thắng lợi Xuân - Hè 1972 không những là một bước phát triển mới về số lượng, mà còn là một sự chuyển biến mới về chất của cục diện chiến tranh giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ, khiến đế quốc Mỹ vấp phải một thất bại to lớn và “đó không phải là một bước thất bại bình thường của một chiến lược chiến tranh, mà là một bước suy sụp mới của cả quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ”[5]. Với ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn, cuộc Tổng phản công chiến lược 1972 có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu của các nhà khoa học. Một trong những vấn đề thu hút rộng rãi sự quan tâm của các nhà khoa học là những diễn biến quân sự trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu Trị - Thiên với chiến dịch tấn công, nổi dậy giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ thành quả đã giành được kéo dài từ ngày 30-3-1972 đến sau ngày Hiệp định Pari được ký kết (31-1-1973). Đây là cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt trong bối cảnh Việt Nam và đối phương đều quyết tâm giành cho được một thắng lợi quân sự quyết định, nên đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của toàn thế giới, đặc biệt là cuộc chiến đấu tại Thành Cổ 81 ngày đêm; vì thế, những sự kiện chính yếu của cuộc chiến đấu đều được các nhà khoa học nỗ lực làm sáng tỏ với sự trân trọng lịch sử rất đáng ghi nhận, từ trận mở màn chiến dịch Quảng Trị, sự nổi dậy của quân và dân Quảng Trị trong cuộc tiến công chiến lược, vai trò của pháo binh trong chiến dịch… đến trận Đông Hà-Lai Phước, tạo bước ngoặt cho chiến dịch, hay công tác chuẩn bị phòng hoá của Bộ đội Hoá học, cho đến việc đảm bảo hậu cần - kỹ thuật trong chiến dịch, cuối cùng là chiến thắng Quảng Trị của quân, dân Việt Nam và cuộc triệt thoái đầy bi thảm khỏi thành phố Quảng Trị của đối phương. Qua các bài trên Tạp chí, người đọc có những hiểu biết sâu hơn, những nhận thức mới về âm mưu, thủ đoạn, bản chất hiếu chiến của Mỹ và tay sai trong việc tái chiếm vùng giải phóng; về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Trị; sự phát triển, trưởng thành trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch và nghệ thuật chỉ huy tác chiến của các lực lượng vũ trang, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân Quảng Trị trong chiến dịch. Tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; về phối hợp và hợp đồng chiến đấu giữa các lực lượng,... cũng được đúc rút cô đọng, đầy đủ và khá toàn diện.
Sự kiện có tính tiếp nối và liên quan chặt chẽ tới thất bại của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược Xuân – Hè 1972 là kế hoạch tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng của Mỹ mang mật danh “Lainơ Bếchcơ II”. Sau khi cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam đẩy chính quyền, quân đội Sài Gòn vào tình thế nguy khốn và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, R. Níchxơn quyết định huy động một lực lượng lớn không quân Mỹ, bao gồm toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương, tiến hành đánh phá dữ dội vào các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam liên tục 24/24 giờ; đồng thời, cho không quân và hải quân tiếp tục nỗ lực bao vây, phong toả vùng biển miền Bắc, tập trung vào cảng Hải Phòng. Liên tục từ tối 18- 12 đến 30-12-1972, Mỹ dùng máy bay B52 ném 10 vạn tấn bom đạn xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. Đáp trả lại, trong suốt 12 ngày đêm, quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ, giáng cho không quân Mỹ đòn nặng nề nhất trong suốt quá trình xâm lược, làm nên 12 ngày đêm lịch sử với một “Điện Biên Phủ trên không” huyền thoại, nức lòng tuyền tuyến. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, làm tan vỡ cố gắng cuối cùng của chính quyền Mỹ sử dụng sức mạnh huỷ diệt để đạt được mục tiêu “đàm phán trên thế mạnh”. Thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không” như một cú hích, một  lực đẩy quan trọng, tạo ra biến chuyển bước ngoặt của Hội nghị Paris vốn luôn bế tắc, dẫn đến ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; vì thế, được các nhà nghiên cứu rất quan tâm. Trên Tạp chí, diễn biến trận “Điện Biên Phủ trên không”, thế trận phòng không nhân dân, bảo đảm kỹ thuật trong 12 ngày đêm đối đầu với B52… là những nội dung được khảo cứu kỹ lưỡng đem đến cho người đọc những nhận thức sinh động về sự kiên cường trong lửa đạn, đánh trả có hiệu quả máy bay, tàu chiến Mỹ, về ý chí, nỗ lực, quyết tâm trụ vững, duy trì, giữ vững sản xuất và đời sống, làm thất bại âm mưu và hành động bao vây, phong toả của không quân, hải quân Mỹ, bảo đảm mạch máu giao thông, tăng sức chi viện cho chiến trường của quân, dân hậu phương lớn miền Bắc.
Có lẽ ít có chiến thắng nào vang dội đến thế, được chờ đợi đến thế như Đại thắng Mùa Xuân 1975 – chiến thắng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh xâm lược quy mô nhất, dài ngày nhất và ác liệt nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ.  Sự kiện lịch sử vĩ đại này tất yếu trở thành mối quan tâm của đông đảo các nhà sử học, thể hiện trước tiên và rõ nét qua số lượng các bài viết trên Tạp chí, qua mức độ sâu sắc và các chiều cạnh nghiên cứu, góc độ, cách thức tiếp cận nghiên cứu… Có lẽ ít sự kiện lịch sử nào lại được soi chiếu kỹ đến vậy và những vấn đề khoa học được làm sáng tỏ, được đúc kết từ quá trình nghiên cứu đã tạo nên bức tranh lịch sử tương đối hoàn chỉnh, toàn diện, đầy đủ về sự kiện này với các vấn đề như: Kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, công tác bảo đảm kỹ thuật, chuẩn bị và bảo đảm xăng dầu, tổ chức bảo đảm cơ động, công tác binh địch vận… trong chiến dịch; các chiến dịch lớn như chiến dịch Tây Nguyên với trận Buôn Ma Thuật phá vỡ thế trận chiến lược của quân đội Sài Gòn, đòn tiến công chiến lược Huế - Đà Nẵng, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Các nhà nghiên cứu cũng khát quát thành công nổi bật của Đảng về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược thể hiện đậm nét qua cuộc Tổng tiến công và nổi dậy và cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là nghệ thuật đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ chiến lược và triệt để tận dụng thời cơ để mở cuộc Tổng tiến công chiến lược, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất; nghệ thuật phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh; kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để giành thắng lợi quyết định; nghệ thuật kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc; nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Trong lịch sử hai cuộc KCCP, KCCM, tuyến đường vận tải chiến lược đặc biệt - Đường Trường Sơn là một trong những nội dung nghiên cứu nổi bật, thể hiện tâm sức, tâm huyết của đông đảo các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu đã phục dựng lại lịch sử tuyến đường chiến lược huyết mạch này ngay từ khi nó mới manh nha hình thành trong KCCP. Bức tranh lịch sử về tuyến vận tải trở nên rõ nét hơn, sinh động và được tái hiện đầy đủ nhiều chiều cạnh khác nhau trong cuộc KCCM. Đó là các nội dung về cuộc đấu tranh kỹ thuật trên chiến trường đường Trường Sơn, xây dựng và bảo vệ đường ống xăng dầu; về cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời đường Trường Sơn; về đường Hồ Chí Minh trên biển, về nghệ thuật nguỵ trang, nghi binh trong xây dựng, bảo vệ tuyến đường… Các nhà nghiên cứu đã làm rõ sáng tạo, thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng qua việc quyết định, chọn thời điểm, hướng mở đường, phương tiện vận chuyển… của tuyến vận tải độc đáo, huyền thoại này. Cũng với tuyến đường có một không hai trong lịch sử quân sự trong nước và thế giới, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ quyết tâm, sự bền bỉ, kiên trì, sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của các thế hệ chiến sĩ trên tuyến đường cả trên bộ và trên biển, vì sự nghiệp thống nhất đất nước đầy cam go, gian khó của dân tộc.
Gắn liền với thành bại của hai cuộc kháng chiến là vai trò các cơ quan đầu não, cơ quan chiến lược, bộ chỉ huy cao nhất của quân đội, của kháng chiến; vì thế, đây cũng là một trong những mảng đề tài được đề cập khá kỹ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hoạt động của Bộ Tổng tham mưu trong những chiến dịch lớn (như chiến dịch phòng không tháng 12-1972, Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975…); nghiên cứu về sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu trong chiến tranh nhân dân; về công tác tham mưu chiến lược; về sáng tạo chiến lược đặc sắc trong xác định phương châm tác chiến chiến lược, chiến dịch; trên cơ sở đó, đúc rút những bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo và vận dụng vào bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.
Trong hai cuộc KCCP và KCCM, nội dung kháng chiến toàn dân, toàn diện, trong đó các lĩnh vực hoạt động khác như kinh tế, văn hóa, đặc biệt là đối ngoại, gắn liền và nhằm mục đích làm cho mặt trận quân sự thắng lợi là những nội dung được các nhà sử học chú tâm nghiên cứu và được chuyển tải tương đối đều đặn trên Tạp chí. Các nội dung về mặt trận ngoại giao trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước như Hội nghị Geneve, Hội nghị Paris, quan hệ giữa đấu tranh quân sự và ngoại giao; giữa quân sự với chính trị, ngoại giao; sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến; quan hệ của Việt Nam với một số nước; quan hệ đoàn kết gắn bó giữa ba nước Đông Dương; liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia…. là những vấn đề được khai thác ở những mức độ nhất định trên mặt Tạp chí.
Góp phần làm giàu kho tàng lý luận, tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến tranh nhân dân là những đúc kết của các nhà nghiên cứu về đường lối kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; về huy động sức mạnh toàn dân đánh giặc trong 30 năm chiến tranh cách mạng; về sự kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự; về bản sắc độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua các hai cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhìn chung, trong 30 năm phấn đấu và phát triển, Tạp chí đã nỗ lực nghiên cứu những vấn đề về KCCP, KCCM, có những đóng góp giá trị, tái hiện sinh động hiện thực lịch sử hai cuộc kháng chiến, làm sáng tỏ sự thật lịch sử, bồi dưỡng tư duy quân sựm cũng như phẩm chất, nhân cách con người cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần quan trọng vào việc bác bỏ những quan điểm sai trái béo méo, bôi đen, hay làm lu mờ hiện thực lịch sử, cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho hoạch định, xây dựng chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ quốc phòng.
3. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc xâm lược– những vấn đề khoa học cần tiếp tục khai thác trên Tạp chí  
Bên cạnh những thành tựu nổi bật, phải thừa nhận rằng, còn nhiều vấn đề, nhiều mảng nội dung lịch sử thuộc về hoặc liên quan tới hai cuộc kháng chiến được nghiên cứu, đề cập trên Tạp chí nói riêng, cũng như trong các công trình nghiên cứu, biên soạn về lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung thật ra chưa đầy đủ, cách tiếp cận mòn cũ, một chiều, chủ yếu đi theo trục minh chứng với quan điểm, tư duy định hình, mặc định sẵn, thiếu những phân tích, “mổ xẻ”, “cắt ngang, bổ dọc” vấn đề một cách sâu sắc, có căn cứ khoa học. Một số sự kiện, vấn đề lịch sử “nhạy cảm” nếu có được đề cập, thì vẫn có thái độ né tránh, dè dặt, e ngại.
Để đối phó với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là những đối phương có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh, hùng hậu, hai cuộc KCCP, KCCM đều là những cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Để có thể chiến thắng về quân sự, vì thế, những hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác (kinh tế, văn hóa, ngoại giao) là vô cùng quan trọng, có tác dụng hỗ trợ mạnh mẽ, trực tiếp cho lĩnh vực quân sự. Nói cách khác, sự nghiệp kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cả một quá trình vận động rộng lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá - xã hội và đối ngoại. Tuy nhiên, các lĩnh vực, các chiều cạnh thuộc về, hoặc liên quan tới quá trình xây dựng tiềm lực và phát huy sức mạnh của đất nước, của chế độ, của nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân… trong hai cuộc kháng chiến vẫn là những mảng nội dung được khai thác, được đề cập khá mờ nhạt, dung lượng, độ sâu khoa học giữa các mảng nghiên cứu còn thiếu cân đối.
Riêng về đối ngoại, một trong những mặt trận vô cùng quan trọng, có tác động to lớn đối với mặt trận quân sự, nơi diễn ra cuộc đấu trí, đầy cam go, thử thách và rất quyết liệt giữa Việt Nam và đối phương cũng mới chỉ được nghiên cứu ở mức độ vừa phải, chưa tương xứng với tầm vóc của nó và chưa cân xứng với những mặt trận, lĩnh vực khác. Những nội dung về tác động quốc tế; ảnh hưởng của một số nước lớn đối với vấn đề đánh đàm, đối với phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam; những thỏa thuận quốc tế tay đôi, tay ba về chiến tranh Việt Nam… vẫn còn là những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong thành bại của mỗi cuộc chiến tranh, của mỗi trận đánh, không thể thiếu vắng vai trò của các cá nhân, những nhân vật lịch sử quan trọng. Trên Tạp chí, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, vai trò, hoạt động một số nhà lãnh đạo chính trị, quân sự cao cấp như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An, Hoàng Minh Thảo… cũng đã được nghiên cứu, song ở mức độ còn khá khiêm tốn. Có thể nhận thấy rằng, về vai trò, quan điểm, tư tưởng, hoạt động, ảnh hưởng của những nhà quân sự lỗi lạc, những người chỉ huy, những nhân vật lịch sử quan trọng của Việt Nam và của cả phía bên kia là mảng trống nghiên cứu cần tích cực bổ sung; để từ đó có thêm căn cứ, cơ sở đánh giá, nhìn nhận thấu tỏ hơn hàng loạt vấn đề lịch sử liên quan.
Quá trình hình thành, vai trò lực lượng thứ ba trong KCCM vẫn là những nội dung được đề cập chưa đầy đủ không chỉ trong các nghiên cứu lịch sử nói chung, mà trên Tạp chí đây cũng là một khoảng trống lớn, hoàn toàn chưa được khai thác một cách tương xứng. Một số vấn đề kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với hoạt động ngoại giao… cũng còn chưa thực đậm nét, cần có những nghiên cứu chuyên sâu, khai thác trên nhiều bình diện, chiều kích hơn nữa.
Lịch sử tư tưởng quân sự, lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, lịch sử hậu cần - kỹ thuật quân sự, lịch sử quốc phòng… là những mảng lịch sử chuyên ngành quan trọng và những kết quả nghiên cứu của nó luôn hỗ trợ, giúp hiểu sâu hơn, có nhận thức đúng hơn và đầy đủ hơn các vấn đề quan trọng, chính yếu trong lịch sử quân sự của hai cuộc kháng chiến, song ở những nội dung này, vẫn còn nhiều khoảng trống, khoảng bỏ ngỏ, chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Ngoài ra, quá trình vận động của hai cuộc KCCP, KCCM không phải chỉ thẳng tắp một chiều, mà còn có những bước thăng trầm, quanh co. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không có một giai đoạn nào đối phương chỉ hoàn toàn sai lầm; phía Việt Nam hoàn toàn chỉ có ưu điểm, chỉ có thành công tuyệt đối. Đó là điều hoàn toàn bình thường, cần được đề cập, tái hiện trong các công trình lịch sử quân sự, song những thất bại, những sai lầm của phía Việt Nam về chỉ đạo chiến lược, về tác chiến, chiến thuật, hay những thất bại của những trận đánh cụ thể, những mất mát, thương vong… cũng chưa được chú trọng nghiên cứu, hay có được đề cập thì còn sơ sài, thiếu hụt. Trong toàn bộ các số của tạp chí 30 năm qua, mới chỉ có ba bài nghiên cứu đề cập đến ba trận đánh không thành công (trận tập kích căn cứ Kon Nák, trận tiến công cứ điểm Ba Lòng, đợt tập kích hỏa lực vào căn cứ Cô Ca Va). Cần thay đổi nhận thức rằng, nghiên cứu, làm rõ, đăng tải những nhược điểm, hạn chế, sai lầm, hay một số trận chiến đấu thất bại, tổn thất, sẽ gây nên sự phủ định đối với thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, làm suy giảm sự vĩ đại của những thắng lợi mà nhân dân phải hy sinh xương máu mới có được. Cần đứng trên quan điểm: Nhìn thẳng, đánh giá đúng, nhận thức rõ về những thất bại, sai lầm - đó chính là phương cách để tái hiện hiện thực lịch sử đầy đủ nhất, chân thực, khách quan nhất. Chỉ có trên nền tảng của hiện thực lịch sử khách quan, nhận định đưa ra mới có sức thuyết phục, bài học kinh nghiệm rút ra mới sâu sắc, mới có giá trị trong tham vấn, tư vấn và cung cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới hiện nay. Thành tựu khoa học của Tạp chí lịch sử quân sự qua chặng đường 30 năm kể từ số báo đầu tiên với những chủ đề về lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới được đề cập, mà phần lớn trong số đó là những nghiên cứu về cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm (1945-1975) là một đảm bảo để Tạp chí được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận với sự chờ đợi trân trọng. Thành tựu đó cũng là một đảm bảo để hy vọng rằng, Tạp chí tiếp tục giữ vững định hướng , giữ vững tôn chỉ, mục đích, giữ vững và nâng cao chất lượng khoa học của mỗi số báo, bao gồm trong đó những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Vì thế, các nhà khoa học, các nhà sử học cần tiếp tục nỗ lực nhận chân những sai lầm, thất bại, đúc rút kinh nghiệm, với quan điểm và cách tiếp cận hiện đại, tiên tiến, song thích hợp.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ




[1] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ xưa và nay, Tạp chí Xưa và nay, 5-1994.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 34, tr. 217.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 32, tr. 340.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 329.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 33, tr. 335-336.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!